Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Gia Bình. Tôi đang làm việc tại cơ quan hải quan ở Thanh Hóa. Vì tính chất công việc có liên quan đến một số thủ tục hành chính. Nhưng có một số quy định tôi vẫn chưa nắm rõ lắm, tôi mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp tôi, cụ thể các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! (binh***@gmail.com)

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định tại Khoản 7 Mục 1 Phần II Bản hướng dẫn nội bộ về trình tự, thủ tục tham gia thủ tục hành chính tại Tòa án của cơ quan hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:

a) Trong quá trình giải quyết vụ án, để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án, theo yêu cầu của đương sự, Tòa án có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây:

a.1) Tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính;

a.2) Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính;

a.3) Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.

b) Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa do một Thẩm phán xem xét, quyết định. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay.

c) Điều 74 Luật TTHC quy định các trường hợp thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà phát sinh tình tiết quy định tại Khoản 2, Điều 74 Luật TTHC, nhưng Tòa án chưa ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cơ quan Hải quan phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền đề nghị Tòa án hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

d) Trường hợp cho rằng quyết định áp dụng, thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc thông báo không hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, của Thẩm phán, Hội đồng xét xử là không đúng, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý hải quan; cơ quan Hải quan có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng, thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc thông báo của Thẩm phán về việc không hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; hoặc khiếu nại với Hội đồng xét xử về việc áp dụng, thay đổi, không hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án hoặc Hội đồng xét xử là quyết định cuối cùng.

Trên đây là nội dung tư vấn về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào