Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân người làm công tác cơ yếu được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 21 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 33/2016/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương đối với quân nhân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ Công an - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành thì:
1. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội và Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.
2. Hạn tuổi để xác định thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:
a) Thời điểm chưa đủ 18 tuổi được tính đến hết tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 18 tuổi.
b) Dưới 6 tuổi được tính đến ngày liền kề trước ngày, tháng sinh của năm đủ 6 tuổi.
Ví dụ 60: Đồng chí Đại úy Nguyễn Văn Song, công tác tại đơn vị Y thuộc Bộ Công an, có 16 năm đóng bảo hiểm xã hội, ngày 16 tháng 01 năm 2016 đồng chí Song bị chết do mắc bệnh hiểm nghèo; thân nhân đồng chí Song có 04 người đủ điều kiện hưởng tuất hằng tháng gồm: Bố đẻ sinh tháng 12 năm 1955, mẹ vợ sinh tháng 01 năm 1961, con Nguyễn Văn Hoàn, sinh ngày 15 tháng 9 năm 2009, con Nguyễn Thị Ca, sinh ngày 10 tháng 02 năm 2012.
Như vậy, trợ cấp tuất hằng tháng đối với cháu Hoàn được nhận từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 đến hết tháng 8 năm 2027, đối với cháu Ca được nhận từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 đến hết tháng 01 năm 2030 (với điều kiện sức khỏe hai cháu phát triển bình thường).
3. Việc xác định tuổi của con dưới hoặc đủ 06 tuổi để giải quyết trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 3 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội được tính từ tháng, năm sinh của con đến tháng, năm của người lao động chết.
Ví dụ 61: Đồng chí Thượng úy Nguyễn Văn Anh tham gia công tác từ tháng 5 năm 2000; thuộc đơn vị X Bộ Công an, có 16 năm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngày 15 tháng 5 năm 2016 đồng chí Anh chết do tai nạn rủi ro, con đồng chí Anh sinh ngày 05 tháng 5 năm 2010; trường hợp này khi đồng chí Anh chết, con đã đủ 6 tuổi, nếu gia đình có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần thì sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết.
4. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (kể cả người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) còn thiếu không quá 06 tháng để đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội mà bị chết, nếu có thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội và có nguyện vọng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì thân nhân được đóng tiếp bảo hiểm xã hội một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức đóng hằng tháng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi chết (hoặc trước khi nghỉ việc đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tính theo mức lương cơ sở ở thời điểm đóng bù) để được giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng; thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng người lao động chết. Trường hợp khi người cha chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh ra.
5. Việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm cơ sở giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội, được thực hiện như sau:
a) Đối với trường hợp thân nhân bị suy giảm khả năng lao động, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày người lao động chết, nếu thân nhân bị suy giảm khả năng lao động mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì nộp đơn đề nghị có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú gửi cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp Trung đoàn và tương đương trở lên thuộc Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục; Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trại giam và tương đương thuộc Tổng cục; cấp Trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh; Học viện, Trường Công an nhân dân, Bệnh viện, Doanh nghiệp, Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công an, nơi quản lý trực tiếp người lao động chết. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa Bộ Quốc phòng hoặc Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh nơi thuận tiện nhất đối với thân nhân để được giám định mức suy giảm khả năng lao động, làm cơ sở giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng; trừ trường hợp thân nhân người lao động đã được tổ chức có thẩm quyền kết luận bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc được cấp giấy xác nhận khuyết tật đặc biệt nặng;
b) Trong thời hạn 04 tháng trước hoặc sau thời điểm thân nhân quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội hết thời hạn hưởng trợ cấp theo quy định thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) nơi cư trú hợp pháp. Cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương có trách nhiệm giới thiệu thân nhân đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh để được giám định mức suy giảm khả năng lao động, làm cơ sở giải quyết tiếp trợ cấp tuất hằng tháng.
Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân người làm công tác cơ yếu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.
Trân trọng!