Người đại diện tham gia tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan

Người đại diện tham gia tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là An Nhiên. Tôi đang làm việc tại cơ quan hải quan ở Đắk Lắk. Vì tính chất công việc có liên quan đến một số thủ tục hành chính. Nhưng có một số quy định tôi vẫn chưa nắm rõ lắm, tôi mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp tôi, cụ thể người đại diện tham gia tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! (a.nhien***@yahoo.com.vn)

Người đại diện tham gia tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định tại Khoản 4 Mục 3 Phần I Bản hướng dẫn nội bộ về trình tự, thủ tục tham gia thủ tục hành chính tại Tòa án của cơ quan hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:

Người đại diện trong tố tụng hành chính bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.

a) Đại diện theo pháp luật

Đối với cơ quan Hải quan thì đại diện theo pháp luật là người đứng đầu cơ quan Hải quan đó. Đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của cơ quan Hải quan mà mình là đại diện với tư cách là đương sự trong vụ án hành chính.

b) Đại diện theo ủy quyền

b.1) Trường hợp người có thẩm quyền trong cơ quan Hải quan (trừ trường hợp là người đứng đầu đơn vị) với tư cách là đương sự nếu. không tham gia tố tụng được thì có thể ủy quyền cho người khác có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật và có kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ hải quan liên quan đến nội dung vụ án, có khả năng trình bày rõ ràng, mạch lạc và lôgic để đại diện cho mình tham gia tố tụng.

Các trường hợp không được ủy quyền: người không có quốc tịch Việt Nam; là cán bộ, công chức trong ngành Tòa án, Kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an; là đương sự trong cùng một vụ án mà quyền và lợi ích hợp pháp đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện; là người đại diện cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án.

Ngoài ra không nên ủy quyền cho người giám định, người phiên dịch trong vụ án đó; người thân thích với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đang tham gia giải quyết vụ án bởi lý do nếu họ làm đại diện thì những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trên sẽ phải từ chối không tham gia giải quyết vụ án hoặc bị thay đổi. Điều này sẽ gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án.

b.2) Trường hợp người bị kiện là cơ quan Hải quan hoặc người đứng đầu cơ quan Hải quan, nếu không thể tham gia tố tụng được thì chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện tham gia tố tụng.

b.3) Người đại diện theo ủy quyền phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.

Người đại diện theo ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba.

Trên đây là nội dung tư vấn về người đại diện tham gia tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hải quan

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào