Bảo hiểm xã hội một lần đối với công an nhân dân được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 33/2016/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương đối với quân nhân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ Công an - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành thì:
1. Bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 11 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP và Điều 18 Thông tư này. Trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định chưa đủ số năm cuối quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đã được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 40: Đồng chí Kiều Cao Vũ, nhân viên Cơ yếu, tuyển dụng tháng 5 năm 2016; xếp lương sơ cấp nhóm 2, bậc 1/10, hệ số lương 2,95. Vì lý do đặc biệt nên được cho thôi việc và hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ ngày 01 tháng 9 năm 2016; thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 5 năm 2016 đến ngày 31 tháng 8 năm 2016 là 04 tháng. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Vũ là:
1.210.000 đồng x 2,95 x 22% x 04 tháng = 3.141.160 đồng.
Ví dụ 41: Cũng trường hợp đồng chí Vũ (nêu ở Ví dụ 40), giả sử đồng chí Vũ thôi việc và hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ ngày 01 tháng 4 năm 2017; thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 5 năm 2016 đến ngày 31 tháng 3 năm 2017 là 11 tháng. Mức hưởng bảo hiểm một lần của đồng chí Vũ được tính như sau:
1.210.000 đồng x 2,95 x 22% x 11 tháng = 8.638.190 đồng.
Tuy nhiên, đồng chí Vũ có thời gian công tác dưới 01 năm (11 tháng); do đó, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là:
1.210. 000 đồng x 2,95 x 02 tháng = 7.139.000 đồng.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của từng thời kỳ, trừ trường hợp người mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP. Việc tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện như người lao động không được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, sau đó trừ đi số tiền nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (nếu có).
Số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính bằng tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ của từng tháng đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức hỗ trợ của từng tháng được tính theo công thức sau:
Số tiền Nhà nước hỗ trợ tháng i |
= |
0,22 |
x |
Chuẩn nghèo khu vực nông thôn tại tháng i |
x |
Tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước tại tháng i |
4. Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cả trước và sau ngày 01 tháng 01 năm 2014 mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
5. Người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, mức hưởng cụ thể như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Ví dụ 42: Đồng chí Trung úy Trần Văn Lợi, nhập ngũ tháng 02 năm 2003, phục viên về địa phương từ ngày 01 tháng 6 năm 2016, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 13 năm 04 tháng (trong đó 10 năm 11 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 và 02 năm 05 tháng đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi). Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Lợi được tính như sau:
- Đồng chí Lợi có 10 năm 11 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; 11 tháng lẻ sẽ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014. Như vậy, số tháng đóng bảo hiểm xã hội tính đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2016 để tính bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Lợi được tính là 10 năm trước năm 2014 và 03 năm 04 tháng (02 năm 05 tháng + 11 tháng) đóng bảo hiểm xã hội giai đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 3,5 năm).
- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Lợi được tính như sau:
Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần |
= |
(1,5 tháng x 10 năm) + (2 tháng x 3,5 năm) |
X |
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH |
Như vậy, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Lợi ở ví dụ trên là 22 tháng mức bình quân tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội.
6. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần và điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở để tính bảo hiểm xã hội một lần được căn cứ vào thời điểm hưởng ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 43: Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, nhân viên cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ, tuyển dụng tháng 3 năm 2004; đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hết tháng 4 năm 2016; thôi việc về địa phương từ ngày 01 tháng 5 năm 2016.
Bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Tuấn được tính trên mức lương cơ sở tại thời điểm ngày 01 tháng 5 năm 2016 là 1.210.000 đồng/tháng,
7. Bảo hiểm xã hội một lần đối với hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân; học viên công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí được thực hiện như sau:
a) Nếu trước khi nhập ngũ hoặc trước khi là học viên công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí mà chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần khi xuất ngũ, thôi việc là thời gian thực tế phục vụ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí;
Ví dụ 44: Đồng chí Hạ sĩ Hoàng Văn Đức, nhập ngũ tháng 9 năm 2014, tháng 8 năm 2016 xuất ngũ. Đồng chíĐức được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi xuất ngũ ứng với thời gian từ tháng 9 năm 2014 đến tháng 8 năm 2016 là 02 năm; mỗi năm được hưởng 02 tháng lương cơ sở, tổng số bằng 4 tháng lương cơ sở; mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội khi đồng chí Đức xuất ngũ là: 1.210.000 đồng x 04 tháng = 4.840.000 đồng.
b) Nếu trước khi nhập ngũ hoặc trước khi là học viên công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội mà chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội (bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) thì thời gian để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần khi xuất ngũ, thôi việc là tổng thời gian phục vụ thực tế trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó.
Ví dụ 45: Đồng chí Hạ sĩ Võ Văn Huân; nhập ngũ tháng 3 năm 2015; xuất ngũ ngày 01 tháng 03 năm 2017; trước khi nhập ngũ đồng chí Huân có 04 năm công tác và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại một Doanh nghiệp ngoài Quân đội. Như vậy, thời gian để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau:
- Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội ở cơ quan ngoài Quân đội là 04 năm.
- Thời gian phục vụ tại ngũ là 02 năm.
- Tổng thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội là: 04 năm + 02 năm = 06 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn về bảo hiểm xã hội một lần đối với công an nhân dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.
Trân trọng!