Mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với công an nhân dân được quy định như thế nào?

Mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với công an nhân dân được xác định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Minh Phương, sống tại Hải Phòng. Hiện nay tôi là công an nhân dân, công tác tại Hà Nội. Tôi đang tìm hiểu về mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với công an nhân dân. Nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi: Mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với công an nhân dân được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (0905***)           

Theo quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 33/2016/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương đối với quân nhân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ Công an - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành thì: 

1. Cách tính mức lương hưu hằng tháng quy định tại Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Đối với người lao động nếu bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017, thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Khi tính tỷ lệ lương hưu (bao gồm cả các trường hợp quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều này) nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến đủ 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Ví dụ 25: Đồng chí Trung tá Nguyễn Văn Ba, sinh tháng 6 năm 1969, nhập ngũ tháng 10 năm 1986, được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, có 29 năm 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Ba được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 29 là 14 năm, tính thêm: 14 x 2% = 28%

- 03 tháng tính bằng mức hưởng của nửa (1/2) năm đóng bảo hiểm xã hội: 0,5 x 2% = 1%;

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 28% + 1% = 74%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Ba là: 74%.

Ví dụ 26: Đồng chí Đại úy Trần Thị Lan, Công an phường, sinh tháng 6 năm 1968, vào công tác trong công an nhân dân tháng 5 năm 1993, được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 12 năm 2017, có 24 năm 07 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Lan được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 24 là 9 năm, tính thêm: 9 x 3% = 27%

- 07 tháng tính bằng mức hưởng của 01 năm đóng bảo hiểm xã hội: 1 x 3% =3%;

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 27% + 3% = 75%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Lan là: 75%.

b) Đối với lao động nữ nếu bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Ví dụ 27: Cũng trường hợp đồng chí Lan (nêu tại Ví dụ 26), nhưng nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Lan được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 24 là 9 năm, tính thêm: 9 x 2% = 18%

- 07 tháng tính bằng mức hưởng của 01 năm đóng bảo hiểm, xã hội: 1 x 2% = 2%;

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 18% + 2% = 65%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Lan là: 65%.

c) Đối với lao động nam nếu bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Năm bắt đầu hưởng lương hưu

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45%

2018

16 năm

2019

17 năm

2020

18 năm

2021

19 năm

Từ 2022 trở đi

20 năm

Ví dụ 28: Đồng chí Trung tá Lê Trung Kiên, sinh tháng 02 năm 1970, nhập ngũ tháng 10 năm 1988, được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, có 29 năm 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Kiên được tính như sau:

- 16 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 17 đến năm thứ 29 là 13 năm, tính thêm: 13 x 2% = 26%

- 03 tháng tính bằng mức hưởng của 1/2 năm đóng bảo hiểm xã hội: 0,5 x 2% = 1%;

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 26% + 1% = 72%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Kiên là: 72%.

Ví dụ 29: Đồng chí Thiếu tá QNCN Hoàng Đình Ân, sinh tháng 9 năm 1973, nhập ngũ tháng 01 năm 1991, lái xe, được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, có 31 năm đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Ân được tính như sau:

- 20 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 21 đến năm thứ 31 là 11 năm, tính thêm: 11 x 2% = 22%

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 22% = 67%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Ân là: 67%.

2. Cách tính mức lương hưu hằng tháng theo Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP của người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội, được thực hiện như sau:

a) Được tính như quy định tại Khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi 55 đối với nam và tuổi 50 đối với nữ quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội hoặc nghỉ hưu trước tuổi 50 đối với nam và tuổi 45 đối với nữ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội thì tỷ lệ hưởng lương hưu giảm đi 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ từ 01 tháng đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi của năm đó.

Ví dụ 30: Đồng chí Đại úy QNCN Phạm Văn Hưng, làm việc trong điều kiện bình thường, có đủ 26 năm 4 tháng đóng bảo hiểm xã hội, không đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 6 năm 2016 khi đủ 53 tuổi. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Hưng được tính như sau:

- 15 năm đầu tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 26 là 11 năm, tính thêm: 11 x 2% = 22%.

- 04 tháng được tính bằng 1/2 năm, tính thêm: 0,5 x 2% = 1%

- Tổng tỷ lệ trên là: 45 % + 22 % + 1% = 68%.

- Đồng chí Hưng nghỉ hưu trước tuổi 55 theo quy định là 02 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm: 2 x 2% = 4%

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Hưng là: 68% - 4% = 64%.

Ví dụ 31: Đồng chí Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Hà, sinh năm 1962, lao động hợp đồng từ tháng 02 năm 1986; chuyển viên chức quốc phòng từ tháng 02 năm 1998; chuyển QNCN từ tháng 4 năm 2012, công tác trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61% và được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 (có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội).

Tỷ lệ hưởng lương hưu của đồng chí Hà được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 30 là 15 năm, tính thêm: 15 x 2% = 30%;

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 30% = 75%;

- Đồng chí Hà sinh năm 1962 nên lấy ngày 01 tháng 01 năm 1962 để tính tuổi làm cơ sở tính năm nghỉ hưu trước tuổi. Do vậy, tại thời điểm hưởng lương hưu (ngày 01 tháng 02 năm 2016) đồng chí Hà đã 54 tuổi 01 tháng nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 1%;

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Hà là 75% - 1% = 74%.

b) Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động quy định tại Điểm a Khoản này bằng mức lương cơ sở.

Trên đây là nội dung tư vấn về mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với công an nhân dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.

Trân trọng!    

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chính sách đối với Công an nhân dân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào