Thời gian hưởng chế độ thai sản đối với công an nhân dân là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 33/2016/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương đối với quân nhân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ Công an - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành thì:
1. Lao động nữ khi sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội tính từ thời điểm thai chết lưu.
Ví dụ 19: Đồng chí Đại úy Hoàng Thị Phương, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên, mang thai đến tháng thứ 8 thì nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, một tháng sau khi nghỉ việc thì thai bị chết lưu. Như vậy, đồng chí Phương ngoài việc được hưởng chế độ thai sản cho đến khi thai chết lưu, còn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 50 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
b) Trường hợp lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, sau khi sinh mà con bị chết, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được hưởng chế độ theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Trường hợp người mẹ chết sau khi sinh con thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản quy định tại các Khoản 4, 5 và 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, được hướng dẫn như sau:
a) Trường hợp chỉ có người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà người mẹ chết sau khi sinh con, thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng cuối cùng của người mẹ trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản;
b) Trường hợp cả người cha và người mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà người mẹ chết sau khi sinh con thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng cuối cùng của người cha trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản;
c) Trường hợp chỉ có người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội mà chết thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của người mẹ;
d) Trường hợp cả người cha và người mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chỉ có người cha đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội mà người mẹ chết sau khi sinh con thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha;
đ) Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng quy định tại Điểm b và Điểm d Khoản này tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ;
e) Trường hợp chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội mà người mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha;
g) Đối với trường hợp quy định tại Điểm b, d và e Khoản này mà người cha đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
3. Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.
Trường hợp tất cả các thai đều chết lưu thì thời gian được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội đối với từng thai chết lưu, không tính trùng thời gian hưởng.
Trường hợp tất cả các con sinh ra đều bị chết sau khi sinh thì thời gian được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, áp dụng đối với con chết sau cùng.
Trên đây là nội dung tư vấn về thời gian hưởng chế độ thai sản đối với công an nhân dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.
Trân trọng!