Trách nhiệm Bộ Công thương trong Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đến 2020 định hướng đến 2030
Trách nhiệm Bộ Công thương trong Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đến 2020 định hướng đến 2030 được quy định tại Mục IV Điều 1 Quyết định 1137/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, theo đó:
Trách nhiệm Bộ Công thương trong Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đến 2020 định hướng đến 2030 gồm:
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện Đề án và các nhiệm vụ:
a) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức lại sản xuất đối với các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu thuộc nhóm hàng công nghiệp nêu tại khoản 2 Mục II phù hợp với từng giai đoạn.
b) Tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường của doanh nghiệp thông qua triển khai Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, định hướng đến năm 2030, Đề án xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng sản xuất và phân phối ở ngoài nước, Đề án củng cố và mở rộng hệ thống cơ quan đại diện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Đề án nâng cao năng lực công tác thông tin xúc tiến thương mại.
c) Chủ trì, làm đầu mối tổ chức xây dựng thương hiệu chung hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu thông qua Chương trình thương hiệu quốc gia.
d) Tổ chức đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định kinh tế - thương mại, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU, Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu, các hiệp định thương mại biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia.
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan định kỳ rà soát, đánh giá việc thực hiện các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký, đề xuất giải pháp ứng phó khi có biến động bất lợi.
e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác vận động để Việt Nam sớm được các nước công nhận là nền kinh tế thị trường.
g) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hiệp định thương mại tự do đối với các mặt hàng xuất khẩu.
h) Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
i) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các mặt hàng xuất khẩu theo quy định của pháp luật và quy hoạch, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
k) Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và củng cố, nâng cấp chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thông tin thương mại.
l) Khuyến khích, hỗ trợ phát triển mối liên kết giữa các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp với các tập đoàn thương mại quốc tế lớn.
m) Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics của Việt Nam; triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
n) Phát triển thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
o) Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án hàng năm và tổng kết kết quả thực hiện Đề án vào cuối năm 2020, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương hướng thực hiện Đề án cho giai đoạn tiếp theo.
Trên đây là tư vấn về trách nhiệm Bộ Công thương trong Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đến 2020 định hướng đến 2030. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 1137/QĐ-TTg năm 2017. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật