Những hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến quyền công đoàn
* Quyền công đoàn được hiểu là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền.
* Hành vi phân biệt đối xử vì lý do công đoàn được hiểu là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền công đoàn.
Theo quy định tại Điều 9 - Luật Công đoàn năm 2012, các hành vi vi phạm quyền công đoàn bị nghiêm cấm là:
- Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn.
- Phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
- Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn.
- Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Theo quy định tại các Điều 8, Điều 50 và Điều 190 - Bộ luật Lao động năm 2012 cụ thể hóa các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn bao gồm:
- Phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
- Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động (thuộc trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ).
- Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
- Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
- Yêu cầu người lao động không tham gia hoặc rời khỏi tổ chức công đoàn.
- Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền, nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
Thư Viện Pháp Luật