Quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp khi cổ phần hoá
Quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp khi cổ phần hoá được pháp luật quy định tại Điều 43 Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần như sau:
1. Chuyển Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương thành Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để:
a) Hỗ trợ các nông lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định của pháp luật.
b) Hỗ trợ kinh phí cho các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con không đủ nguồn để giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu cho các đơn vị thành viên theo quy định của pháp luật.
c) Bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.
d) Đầu tư bổ sung vốn để duy trì hoặc tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước đang tham gia tại các doanh nghiệp khác; đầu tư vào các dự án quan trọng và các khoản chi khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Thành lập Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con sử dụng để:
a) Hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên, bộ phận doanh nghiệp trực thuộc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu (bao gồm doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, cổ phần hóa, giao, bán, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu…); giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định của pháp luật.
b) Bổ sung vốn điều lệ của các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
c) Phần còn lại, các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con được đầu tư phát triển doanh nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; quyết định điều động nguồn Quỹ giữa các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo cơ chế được Thủ tướng Chính phủ quy định.
4. Bộ Tài chính quy định cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con; kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và đầu tư phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Kết thúc năm tài chính, trong phạm vi 45 ngày, các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con phải gửi báo cáo quyết toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp về Bộ Tài chính. Báo cáo quyết toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp phải phản ánh đầy đủ, trung thực số liệu về tình hình thu chi; tình hình công nợ phải thu, phải trả và những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp kèm theo xác nhận số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Ngân hàng thương mại nơi Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp mở tài khoản.
Trường hợp không báo cáo đầy đủ, kịp thời theo quy định thì Ban lãnh đạo Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con (Hội đồng thành viên, Ban giám đốc) được xác định là chưa hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm theo quy định tại quy chế giám sát và phân loại doanh nghiệp của pháp luật hiện hành.
5. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải mở một tài khoản riêng biệt tại một ngân hàng thương mại để phong tỏa số tiền thu được từ bán cổ phần.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc bán cổ phần, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa có trách nhiệm xác định số tiền được để lại doanh nghiệp (bao gồm cả các khoản dự chi cho người lao động và chi phí cổ phần hóa theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt) và khoản phải nộp về Quỹ (sau khi trừ đi các khoản được phép chi theo dự toán kinh phí đã được duyệt) để chuyển tiền từ tài khoản phong tỏa về doanh nghiệp và Quỹ theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định này.
6. Trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc, sau khi nhận được báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính thực hiện kiểm tra, xử lý tài chính ở thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
Trong thời gian 60 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty mẹ 100% vốn nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc nộp tiếp tiền thu từ bán cổ phần về Quỹ theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định này.
Sau thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, nếu doanh nghiệp chưa nộp tiền về Quỹ theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định này thì doanh nghiệp cổ phần hóa phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm gần nhất cho số tiền và thời hạn chậm nộp. Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, doanh nghiệp phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền vay quá hạn cho số tiền chậm nộp của thời gian quá hạn 03 tháng. Các khoản phạt chậm nộp này doanh nghiệp cổ phần hóa không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và dùng nguồn lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp để bù đắp sau khi trừ đi các khoản bồi thường, xử lý trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị và các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm nộp (nếu có).
7. Cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa có trách nhiệm chỉ đạo Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo đầy đủ, kịp thời việc quản lý và sử dụng các khoản thu từ cổ phần hóa gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp khi cổ phần hoá. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật