Chuyển ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp

Chuyển ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Minh Phát. Em đang theo học tại một trường trung cấp ở BR-VT. Qua thời gian học tập tại trường thì em có nhu cầu chuyển ngành học trung cấp nhưng em chưa rõ lắm về việc chuyển ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp được quy định như thế nào? Có văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này không? Em xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật và mong sớm nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập! (phat***@gmail.com)

Chuyển ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp được quy định tại Điều 6 Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 22/2014/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành như sau:

1. Học sinh được chuyển ngành đào tạo đang học sang học một ngành đào tạo khác của trường.

2. Hiệu trưởng quy định cụ thể và quyết định cho phép học sinh chuyển ngành đào tạo, bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Học sinh có đơn đề nghị chuyển đổi ngành đào tạo;

b) Ngành đào tạo dự kiến sẽ chuyển sang học phải có cùng hình thức và tiêu chí tuyển sinh và có điểm tuyển sinh bằng hoặc thấp hơn so với điểm tuyển sinh của ngành đào tạo đang học;

c) Đối với đối tượng đào tạo là học sinh có bằng tốt nghiệp THCS, ngành đào tạo đang học và ngành đào tạo dự kiến chuyển sang học phải cùng yêu cầu về nhóm kiến thức văn hóa. Trường hợp khác nhóm kiến thức văn hóa, trước khi chuyển đổi học sinh phải học bổ sung và đáp ứng yêu cầu của nhóm kiến thức văn hóa thuộc ngành dự kiến chuyển sang học;

d) Học sinh khi đã được chuyển đổi sang ngành đào tạo khác thì phải dừng học ngành đào tạo trước khi chuyển đổi;

đ) Việc chuyển đổi ngành đào tạo phải hoàn thành trước khi bắt đầu học kỳ thứ hai đối với chương trình có thời gian thực hiện từ một đến 1,5 năm học và hai năm học, trước khi bắt đầu học kỳ thứ tư đối với chương trình có thời gian thực hiện từ ba đến bốn năm học;

e) Không trong thời gian: Tạm dừng chương trình đang học, điều chỉnh tiến độ học, bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Thời gian để học sinh chuyển ngành đào tạo được tính vào thời gian tối đa để hoàn thành chương trình được quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy chế này và được tính từ khi bắt đầu học ngành trước khi chuyển.

Theo đó, Khoản 2 Điều 4 của Quy chế này quy định như sau:

Thời gian tối đa để học sinh hoàn thành chương trình bao gồm thời gian tối đa để hoàn thành các học phần trong chương trình, được tính từ thời điểm bắt đầu học học phần thứ nhất đến khi hoàn thành học phần cuối cùng của chương trình và thời gian tối đa để hoàn thành các môn thi tốt nghiệp.

Thời gian tối đa để học sinh hoàn thành chương trình do Hiệu trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng về đào tạo của trường, bảo đảm không vượt quá hai lần thời gian thiết kế cho chương trình từ ba đến bốn năm học, không vượt quá ba lần thời gian thiết kế cho chương trình từ một đến 1,5 năm học và chương trình hai năm học cộng với thời gian tối đa ba năm để hoàn thành các môn thi tốt nghiệp, được tính từ ngày kết thúc kỳ thi tốt nghiệp lần thứ nhất.

Ngoài ra, Hiệu trưởng xem xét, quyết định kéo dài thêm thời gian tối đa đối với học sinh đang học thuộc vào một trong các trường hợp sau: Được điều động đi thực hiện nghĩa vụ an ninh - quốc phòng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tiếp tục học tại trường; có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; vì lý do sức khỏe phải dừng học trong thời gian dài để điều trị; bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhưng không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật ở mức bị buộc thôi học.

Học sinh học cùng lúc hai chương trình, thời gian tối đa để hoàn thành hai chương trình bằng thời gian tối đa lớn nhất để hoàn thành một trong hai chương trình và được tính từ khi bắt đầu học chương trình thứ nhất.

Trên đây là nội dung tư vấn về chuyển ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 22/2014/TT-BGDĐT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào