Đơn vị học trình và học phần trung cấp chuyên nghiệp

Đơn vị học trình và học phần trung cấp chuyên nghiệp được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Lan Ánh. Tôi đang giảng dạy tại một trường trung cấp ở TPHCM. Tôi được biết hiện nay đã có quy định mới về chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Vì vậy, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi, cụ thể đơn vị học trình và học phần trung cấp chuyên nghiệp được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này không? Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật và mong sớm nhận được câu trả lời! (lan_anh***@gmail.com)

Đơn vị học trình và học phần trung cấp chuyên nghiệp được quy định tại Điều 3 Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 22/2014/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành như sau:

1. Đơn vị học trình là đơn vị dùng để tính khối lượng học tập của học sinh. Một đơn vị học trình bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 đến 45 tiết học thực hành, thí nghiệm, thảo luận, tham quan, làm bài tập hoặc tiết học khác nhằm mục đích thực hành (sau đây gọi chung là tiết học thực hành); 45 đến 60 giờ thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp. Trong đó, một tiết học lý thuyết hoặc thực hành có thời lượng 45 phút, một giờ thực tập có thời lượng 60 phút.

2. Học phần được cấu trúc từ một hoặc nhiều đơn vị học trình, là khối lượng kiến thức, kỹ năng tương đối hoàn chỉnh, thuận tiện cho người học tích luỹ trong quá trình học tập. Kiến thức, kỹ năng trong mỗi học phần tương ứng với một mức trình độ và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc các phần trong tổ hợp của nhiều môn học.

Mỗi học phần được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường quy định.

Có hai loại học phần: Học phần bắt buộc và học phần tự chọn:

a) Học phần bắt buộc là học phần bao gồm nội dung kiến thức, kỹ năng chủ yếu của mỗi chương trình, bắt buộc học sinh phải tích lũy;

Trong đó, học phần Giáo dục quốc phòng - an ninh và học phần Giáo dục thể chất, thuộc khối kiến thức chung là học phần điều kiện. Kết quả đánh giá các học phần này không tính vào điểm trung bình chung học kỳ, năm học, trung bình chung tích lũy, xếp loại tốt nghiệp nhưng là một trong các điều kiện để xét hoàn thành khối lượng học tập, xét điều kiện dự thi tốt nghiệp và được ghi vào bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp.

b) Học phần tự chọn là học phần bao gồm nội dung kiến thức, kỹ năng cần thiết để học sinh tích lũy đủ số học phần được quy định cho mỗi chương trình và phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Học sinh được tự chọn học phần này theo hướng dẫn của trường.

3. Học phần có điểm đạt yêu cầu hoặc đã hoàn thành trong chương trình đào tạo TCCN là học phần mà học sinh có điểm học phần đạt từ 5,0 điểm trở lên và điểm thi kết thúc học phần đạt từ 3,0 điểm trở lên theo thang điểm hệ 10.

Trên đây là nội dung tư vấn về đơn vị học trình và học phần trung cấp chuyên nghiệp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 22/2014/TT-BGDĐT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào