Hướng dẫn viên du lịch được phân loại như thế nào?

Từ năm 2018, các loại dịch vụ du lịch khác được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Vũng Tàu. Hiện tại, em đang tìm hiểu về các ngành nghề, công việc để chuẩn bị nộp hồ sơ dự tuyển đại học. Qua nhiều tài liệu, em khá ấn tượng với nghề hướng dẫn viên du lịch. Anh chị cho em hỏi, trên thực tế thì hướng dẫn viên du lịch được phân loại như thế nào? Nội dung này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong Ban biên tập dành thời gian giải đáp giúpem. Xin cảm ơn rất nhiều! Thái Hòa (hoa***@gmail.com)

Từ ngày 01/01/2018, Luật Du lịch 2017 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

Việc phân loại hướng dẫn viên du lịch được quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Du lịch 2017. Cụ thể:

Hướng dẫn viên du lịch bao gồm hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Liên quan đến nội dung này, để bạn có cái nhìn cụ thể hơn về nghề hướng dẫn viên du lịch, Ban biên tập xin cung cấp thêm một số thông tin như sau:

Về phạm vi hành nghề: Hướng dẫn viên du lịch quốc tế được hướng dẫn cho khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài; Hướng dẫn viên du lịch nội địa được hướng dẫn cho khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam trong phạm vi toàn quốc; Hướng dẫn viên du lịch tại điểm được hướng dẫn cho khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch.

Về điều kiện hành nghề, để được hành nghề hướng dẫn viên du lịch, người hành nghề phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;

- Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;

- Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Trên thực tế, để có thể hành nghề và thành công với công việc hướng dẫn viên, người hành nghề không chỉ cần hội đủ các yếu tố theo quy định trên mà còn phải tích lũy cho mình các kỹ năng mềm, sự am hiểu sâu rộng về các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, xã hội và quan trọng nhất là phải có đủ niềm đam mê cho việc di chuyển thường xuyên trong phạm vi trong nước và cả quốc tế.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về phân loại hướng dẫn viên du lịch. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật Du lịch 2017. 

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hướng dẫn viên du lịch

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào