Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018
Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 được quy định tại Điều 11 Thông tư 71/2017/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2018-2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Xây dựng dự toán chi ĐTPT (đầu tư phát triển):
a) Dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN (ngân sách nhà nước) được xây dựng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016–2020; đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13) và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ĐTPT nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg). Đối với các dự án dự kiến bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 thấp hơn so với quyết định đầu tư phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật hợp lý hoặc bổ sung nguồn hợp pháp khác để hoàn thành dự án phù hợp với quy mô vốn hỗ trợ từ NSTW.
b) Dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN cần chi tiết theo các lĩnh vực chi phù hợp với quy định của Luật NSNN và sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên: (i) bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện CTMTQG (chương trình mục tiêu quốc gia), dự án quan trọng quốc gia, CTMT (chương trình mục tiêu), dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; (ii) vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư PPP; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước; (iii) chỉ bố trí cho các dự án khởi công mới nếu còn nguồn và đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định (ưu tiên thực hiện các dự án mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp nông thôn, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển; các dự án, công trình y tế, giáo dục, các dự án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm liên ngành, liên lĩnh vực để thực đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP).
c) Các bộ, cơ quan trung ương, các cơ quan, đơn vị ở địa phương được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước để đầu tư, phải lập dự toán chi ĐTPT từ nguồn thu này (bao gồm cả số thu năm 2017 chưa sử dụng hết) và tổng hợp trong dự toán chi ĐTPT của bộ, cơ quan trung ương, các cơ quan, đơn vị ở địa phương gửi cơ quan Kế hoạch và đầu tư và cơ quan Tài chính cùng cấp để tổng hợp dự toán NSNN trình cấp có thẩm quyền quyết định. Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương lập báo cáo riêng giải trình cụ thể về nguồn thu và nhu cầu chi đầu tư từ nguồn tiền bán tài sản, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất gửi Bộ Tài chính (Vụ I đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Cục Quản lý công sản đối với các bộ, cơ quan trung ương khác).
d) Đối với dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tín dụng đầu tư, tín dụng chính sách của Nhà nước, bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, căn cứ vào quy định của cấp có thẩm quyền, tình hình thực hiện năm 2017 và dự kiến những thay đổi về đối tượng, chính sách, nhiệm vụ năm 2018 để xây dựng dự toán chi theo quy định.
2. Xây dựng dự toán chi dự trữ quốc gia:
Căn cứ Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020, Kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm 2016-2020 và dự kiến mức tồn kho dự trữ quốc gia đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, các bộ, cơ quan trung ương quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch mua tăng (chi tiết từng danh mục hàng dự trữ quốc gia), xuất giảm, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia và xây dựng dự toán NSNN chi mua hàng dự trữ quốc gia năm 2018 trên tinh thần triệt để tiết kiệm, tập trung vào các mặt hàng chiến lược, thiết yếu; ưu tiên các mặt hàng dự trữ quốc gia phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, cứu đói, phục vụ quốc phòng - an ninh.
3. Xây dựng dự toán chi thường xuyên:
a) Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm 2018, xây dựng dự toán chi thường xuyên cho từng lĩnh vực chi theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2018, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, định mức chi NSNN.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm. Dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định; giảm tần suất và tiết kiệm tối đa kinh phí tổ chức lễ hội, nhất là lễ hội có quy mô lớn, hội thảo, khánh tiết… sử dụng ngân sách; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công.
Đối với dự toán kinh phí sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, dự toán của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi kèm thuyết minh chi tiết về tên công trình; mục tiêu sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng; sự cần thiết, lý do thực hiện; văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền; khối lượng công việc dự kiến; thời gian bắt đầu, kết thúc; dự toán kinh phí theo các nguồn vốn và phân kỳ thực hiện hàng năm.
b) Dự toán chi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể xây dựng gắn với lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Chỉ thị số 02/CT-TTg Nghị định số 26/2015/NĐ-CP.
c) Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ vào dự kiến số tăng thu sự nghiệp theo lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực, dự toán giảm nhu cầu chi NSNN thường xuyên năm 2018 cho các đơn vị sự nghiệp công lập, dành nguồn để tăng chi thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo và các đối tượng chính sách để tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công, thực hiện cải cách tiền lương, tăng chi mua sắm, sửa chữa và chi ĐTPT cho các chương trình, dự án, các mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực, trên cơ sở đó cơ cấu lại chi thường xuyên các lĩnh vực, cơ cấu lại chi NSNN.
d) Một số lưu ý thêm khi xây dựng dự toán NSNN năm 2018:
- Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ: Lập dự toán chi đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thuyết minh cụ thể các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở, các nhiệm vụ thường xuyên và không thường xuyên khác của tổ chức khoa học và công nghệ. Xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập theo quy định của Nghị định số 54/2016/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
- Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề: Thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán chi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, chính sách phụ cấp thâm niên ngành giáo dục, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình: Thuyết minh cụ thể cơ sở tính toán nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện năm 2018 theo từng Dự án, nhiệm vụ và các nguồn kinh phí để thực hiện; nhu cầu kinh phí NSNN phải đảm bảo chi trả tiền lương, chế độ phụ cấp đặc thù chưa kết cấu vào giá dịch vụ y tế, chế độ phụ cấp chống dịch theo quy định; dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn, kinh phí thanh tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dự kiến tác động đối với dự toán NSNN năm 2018 khi triển khai thực hiện Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
- Chi các hoạt động kinh tế: Xây dựng trên cơ sở khối lượng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và chế độ, định mức chi ngân sách quy định; tập trung bố trí chi cho những nhiệm vụ quan trọng: duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kinh tế trọng yếu (giao thông, thuỷ lợi) để tăng thời gian sử dụng và hiệu quả đầu tư; bảo đảm an toàn giao thông; tìm kiếm cứu nạn; bảo quản hàng dự trữ quốc gia; kinh phí thực hiện công tác quy hoạch; thực hiện nhiệm vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp kinh tế công lập theo quy định của Nghị định số 141/2016/NĐ-CP.
- Chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể: Thuyết minh rõ các nội dung sau:
+ Số biên chế năm 2018 (bằng số được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2017, trừ đi (-) số biên chế giảm trong năm (nghỉ theo chế độ và tinh giản biên chế trong năm 2017, cộng với (+) số bổ sung trong năm 2017), trong đó làm rõ số biên chế thực có mặt đến thời điểm lập dự toán, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu được duyệt (nếu có).
+ Xác định Quỹ tiền lương, phụ cấp theo mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng (tính đủ 12 tháng) do NSNN đảm bảo, bao gồm: (i) Quỹ tiền lương, phụ cấp của số biên chế được duyệt, thực có mặt tính đến thời điểm lập dự toán, được xác định trên cơ sở mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT, kinh phí công đoàn); (ii) Quỹ tiền lương, phụ cấp của số biên chế được duyệt nhưng chưa tuyển, được dự kiến trên cơ sở mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng, hệ số lương 2,34/biên chế và các khoản đóng góp theo chế độ.
+ Thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán các khoản chi đặc thù (cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi, các nội dung liên quan khác) năm 2018 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
- Đối với các tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, dự toán ngân sách năm 2018 được xác định bằng dự toán năm 2017 theo Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về Hội Quần chúng.
4. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực bên cạnh việc lập dự toán thu, chi NSNN năm 2018 (phần bộ trực tiếp thực hiện), cần tính toán xác định nhu cầu kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách được cấp có thẩm quyền ban hành và có hiệu lực trong năm 2018, kèm theo thuyết minh cụ thể căn cứ tính toán.
5. Xây dựng dự toán chi thực hiện các CTMTQG (chương trình mục tiêu quốc gia), CTMT (chương trình mục tiêu):
a) Đối với các CTMTQG và các CTMT đã được phê duyệt:
Các bộ, cơ quan trung ương được giao là chủ CTMTQG, CTMT căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, tổng mức vốn, kinh phí đã được duyệt, mức đã bố trí năm 2016, 2017 và số kiểm tra năm 2018, Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSTW và tỷ lệ vốn đối ứng của NSĐP thực hiện CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương lập dự toán vốn, kinh phí thực hiện chương trình phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tại quyết định phê duyệt từng CTMTQG, CTMT, hướng dẫn bổ sung của cơ quan quản lý chương trình, thực hiện lập dự toán chi thực hiện các chương trình, chi tiết theo từng nguồn vốn, từng dự án, nội dung, nhiệm vụ, kinh phí sự nghiệp, vốn đầu tư, nguồn NSTW, nguồn đối ứng NSĐP, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan chủ chương trình theo quy định.
Các cơ quan quản lý CTMTQG, CTMT tổng hợp, đề xuất nhu cầu vốn, kinh phí thực hiện CTMTQG, CTMT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Dự toán phải kèm thuyết minh chi tiết chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ của từng dự án, nhiệm vụ.
b) Đối với các CTMT chưa có quyết định phê duyệt:
Căn cứ Nghị quyết số 73/2016/NQ-CP ngày 26 /8/2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các CTMT giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20 tháng 04 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 và các quyết định giao vốn đầu tư trung hạn còn lại của cấp có thẩm quyền; trên cơ sở nội dung, tiến độ phê duyệt các CTMT; các cơ quan quản lý CTMT hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện chương trình xây dựng dự toán CTMT năm 2018 theo đúng quy định. Riêng đối với dự toán kinh phí sự nghiệp, đề nghị cơ quan chủ quản CTMT rà soát lại các yêu cầu, nhiệm vụ để xây dựng dự toán phù hợp với dự toán vốn đầu tư được giao cho chương trình.
Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ hướng dẫn của cơ quan quản lý chương trình, thực hiện lập dự toán chi thực hiện các chương trình, chi tiết theo từng nguồn vốn, từng dự án, nội dung, nhiệm vụ, kinh phí sự nghiệp, vốn đầu tư, nguồn NSTW (ngân sách trung ương), nguồn đối ứng NSĐP (ngân sách địa phương), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan chủ chương trình theo quy định.
Các cơ quan chủ CTMT tổng hợp dự toán thực hiện CTMT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; kèm thuyết minh chi tiết chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư, kinh phí sự nghiệp của từng dự án, nhiệm vụ.
6. Đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA (bao gồm vốn vay và viện trợ), nguồn vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài:
Thực hiện lập dự toán ngân sách năm 2018 theo quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Căn cứ Hiệp định, thỏa thuận viện trợ đã ký với nhà tài trợ, khả năng thực hiện năm 2017, cơ chế tài chính của chương trình, dự án, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập dự toán chi NSNN từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ, trong đó chi tiết vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn đối ứng của từng chương trình, dự án và phù hợp với tính chất sử dụng vốn (vốn ĐTPT và vốn sự nghiệp) theo các lĩnh vực chi tương ứng.
Dự toán chi ngân sách từ nguồn vốn ODA (bao gồm vốn vay và viện trợ), vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài phải phù hợp với các cam kết đã ký với nhà tài trợ, khả năng bố trí vốn đối ứng và tiến độ thực hiện; hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán được giao trong tổ chức thực hiện. Đối với các chương trình, dự án mới, chỉ triển khai nếu thực sự hiệu quả, phù hợp với khả năng giải ngân theo Hiệp định đã ký và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các chương trình, dự án hỗn hợp cả vốn cấp phát từ NSNN và vốn cho vay lại, chủ chương trình, dự án phải hướng dẫn lập, tổng hợp dự toán cho từng phần vốn.
Các chương trình, dự án, do một số bộ, cơ quan trung ương và các địa phương cùng tham gia, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập dự toán chi từ nguồn vốn ngoài nước gửi cơ quan chủ quản chương trình, dự án tổng hợp và thuyết minh cơ sở phân bổ gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Đối với các chương trình, dự án ô, các cơ quan chủ dự án thành phần có trách nhiệm xây dựng dự toán chi tiết kinh phí thực hiện dự án thành phần, gửi cơ quan chủ quản chương trình, dự án, tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, chi tiết theo nguồn vốn, theo nhiệm vụ như các chương trình, dự án thông thường và theo bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Lập dự toán chi từ nguồn vốn ngoài nước phải đảm bảo đúng, đủ và trong phạm vi hạn mức quy định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia.
7. Lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương:
Năm 2018, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm theo quy định. Trong đó:
a) Các bộ, cơ quan trung ương trên cơ sở dự toán NSNN được giao, tiết kiệm chi thường xuyên và phấn đấu tăng nguồn thu sự nghiệp để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương.
b) Các địa phương tiếp tục cơ chế tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); 50% nguồn tăng thu NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động XSKT (xổ số kiến thiết)), bao gồm tăng thu thực hiện năm 2017 so dự toán năm 2017, tăng thu dự toán năm 2018 so với dự toán năm 2017; nguồn thực hiện cải cách tiền lương các năm trước còn dư; đồng thời, yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có nguồn thu được giao tự chủ phấn đấu tăng thu cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ và sử dụng nguồn thu này ưu tiên để thực hiện cải cách tiền lương.
8. Bố trí dự phòng NSNN:
NSTW và NSĐP các cấp bố trí dự phòng ngân sách theo đúng quy định của Luật NSNN để chủ động đối phó với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh và thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh ngoài dự toán.
9. Dự toán chi từ nguồn thu được để lại theo chế độ:
Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện lập dự toán chi từ nguồn thu được để lại (phí và các khoản huy động đóng góp bằng tiền, trừ học phí và các khoản thu sự nghiệp không thuộc danh mục thu phí) theo chế độ quy định theo đúng các nội dung đã quy định tại Khoản 1, 3 Điều này và tổng hợp chung trong dự toán chi ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương.
10. Căn cứ số kiểm tra thu, chi ngân sách năm 2018, các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương xây dựng dự toán chi chặt chẽ, chi tiết theo từng lĩnh vực quy định tại Luật NSNN, từng nhiệm vụ, từng đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; sau khi đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu có đăng ký) triển khai ngay công tác lập phương án phân bổ dự toán ngân sách năm 2018 của bộ, cơ quan, địa phương mình, để khi nhận được dự toán ngân sách Thủ tướng Chính phủ giao, chủ động trình cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ và giao dự toán ngân sách đến đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo trước ngày 31 tháng 12 năm 2017 theo đúng quy định của Luật NSNN.
Trên đây là nội dung tư vấn về xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 71/2017/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật