Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018
Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018 được quy định tại Điều 10 Thông tư 71/2017/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2018-2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
Dự toán thu NSNN (ngân sách nhà nước) năm 2018 được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ thu NSNN hiện hành. Mọi khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác phải được tổng hợp, phản ánh đầy đủ vào cân đối NSNN theo quy định của Luật NSNN; trên cơ sở dữ liệu thông tin quản lý về thuế; đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2017, dự báo các yếu tố thay đổi về năng lực đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2018 có tính đến các yếu tố tác động của quá trình hội nhập quốc tế; tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thực hiện các văn bản pháp luật về thuế mới sửa đổi, bổ sung, mở rộng cơ sở tính thuế (kể cả đối tượng và căn cứ tính thuế) và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết quốc tế; yếu tố tăng thu từ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và tăng thu từ chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu số thuế nợ đọng từ các năm trước, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi.
Trên cơ sở đó, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN năm 2018 khoảng 21%/GDP. Loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách, dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu XSKT (xổ số kiến thiết)) bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 12-14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017 và dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017. Mức tăng thu cụ thể của từng địa phương tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
1. Xây dựng dự toán thu nội địa:
a) Các địa phương xây dựng dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2018 ngoài việc phải đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu nêu trên, phải tổng hợp đầy đủ các nguồn thu phát sinh trên địa bàn (bao gồm cả số thu ngân sách ở xã, phường, thị trấn), nhất là các khoản thu thuế nhà thầu nước ngoài, nhà thầu trong nước khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, các dự án mới được đưa vào sản xuất kinh doanh; trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, yêu cầu phấn đấu và khả năng thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2017, dự báo tăng trưởng kinh tế trên địa bàn năm 2018 và số kiểm tra dự toán thu năm 2018 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.
b) Dự toán thu NSNN năm 2018 phải trên cơ sở dữ liệu đối tượng nộp thuế, đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các nhà máy mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN; các quy định điều chỉnh chính sách theo lộ trình tiếp tục ảnh hưởng tới số thu NSNN năm 2018 và các quy định dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung, áp dụng trong năm 2018; trong đó lưu ý: Luật NSNN, Luật Phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB (tiêu thụ đặc biệt), trong đó điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, rượu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT (giá trị gia tăng), Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế, trong đó điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với một số dòng xe ô tô, xe mô tô.
c) Tổng hợp đầy đủ khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các Giấy phép do Trung ương cấp và Giấy phép do ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp; tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước trung ương, địa phương xử lý.
d) Toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (sau khi trừ chi phí) phát sinh đều phải nộp vào NSNN.
đ) Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải tính tới các nguồn thu gắn với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về tăng cường công tác đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra, giám sát hoàn thuế GTGT, tăng cường giám sát, quản lý, chống thất thu đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính; các nguồn thu từ đôn đốc thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng và số tiền thuế truy thu, truy hoàn, tiền thuế nợ dự kiến thu hồi cho NSNN.
e) Đối với các khoản thu phí, lệ phí nộp ngân sách và để lại chi theo quy định
Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương ước số thu phí, lệ phí thực hiện năm 2017, dự kiến những yếu tố tác động đến số thu năm 2018 để xây dựng dự toán thu phù hợp, tích cực, cụ thể theo từng khoản thu phí, lệ phí (số thu, số được để lại chi theo chế độ chi tiết các lĩnh vực chi tương ứng, số nộp NSNN).
Đối với khoản thu học phí, giá dịch vụ y tế và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công (không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí), không là chỉ tiêu giao dự toán thu, chi NSNN cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, nhưng phải lập dự toán riêng và xây dựng phương án sử dụng gửi cơ quan có thẩm quyền giám sát theo quy định. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ nguồn thu này và các khoản thu khác được để lại chi để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.
2. Xây dựng dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu:
a) Căn cứ vào dự báo tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ có thuế trong bối cảnh hội nhập, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; sự chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống có nguồn thu chủ lực và các mặt hàng mới phát sinh.
b) Xét đến các yếu tố tác động chính như: giá trong nước và giá trên thị trường quốc tế của những mặt hàng có nguồn thu lớn; tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của các đối tác thương mại chiến lược; tác động giảm thu từ việc áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan tại các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi cam kết trong năm 2018; mức độ thuận lợi hóa thương mại và ảnh hưởng của các hàng rào kỹ thuật; quy mô, tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư trọng điểm có nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị;...
3. Xây dựng dự toán số hoàn thuế GTGT phát sinh theo quy định của Luật Thuế GTGT:
Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, khả năng phát triển sản xuất kinh doanh và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thường xuyên phát sinh số hoàn thuế GTGT, các doanh nghiệp có dự án đầu tư để tính đúng, tính đủ, kịp thời số hoàn thuế GTGT phát sinh trên địa bàn theo các chính sách, chế độ hiện hành và các chế độ chính sách mới có hiệu lực thi hành. Xây dựng dự toán số hoàn thuế GTGT gắn liền với yêu cầu tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, giám sát, kiểm tra, thanh tra trước và kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp.
4. Xây dựng dự toán thu viện trợ không hoàn lại:
Căn cứ các hiệp định, thỏa thuận viện trợ ODA và viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã ký kết; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các chương trình, dự án sử dụng vốn viện trợ nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2017 và dự kiến đến hết năm 2017; các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng dự toán thu viện trợ không hoàn lại năm 2018 của Bộ, cơ quan, địa phương mình phù hợp với các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết và sát thực tiễn.
Trên đây là nội dung tư vấn về xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 71/2017/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật