Nội dung các phương pháp khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ từ nay đến 2020
Nội dung các phương pháp khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ từ nay đến 2020 được quy định tại Kết luận 37-KL/TW tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành như sau:
- Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xây dựng mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chính; coi trọng và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ.
- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp, nhất là cấp chiến lược; kết hợp xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý với quy hoạch cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý sản xuất, kinh doanh, cán bộ lãnh đạo trong lực lượng vũ trang, cán bộ nghiên cứu khoa học, đội ngũ chuyên gia đầu ngành; đổi mới quy trình giới thiệu cán bộ vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Mở rộng việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ vào các chức danh lãnh đạo cấp phòng ở tỉnh, thành phố và cấp vụ ở các bộ, ngành Trung ương, xem xét đưa vào quy hoạch và thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng theo quy hoạch.
- Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, đưa công tác này trở thành nền nếp thường xuyên trong công tác cán bộ. Mở rộng việc bố trí bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND, chánh án toà án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành công an, tài chính, thuế, hải quan... không phải là người địa phương. Kết hợp thực hiện cơ chế thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý với luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Tạo chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện Chiến lược cán bộ trong giai đoạn mới. Củng cố, nâng cao chất lượng về mọi mặt của hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Huy động mọi nguồn lực và tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả trong và ngoài nước, trong và ngoài Đảng, trong và ngoài khu vực nhà nước. Xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến lược quốc gia về nhân tài đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
- Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu tăng cường chất lượng, tinh giản biên chế hành chính, đáp ứng yêu cầu thực hiện Cương lĩnh, Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2010-2020, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý, các ngạch, bậc công chức, viên chức; giữa các độ tuổi, địa bàn, lĩnh vực công tác; tăng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ xuất thân từ công nhân, con gia đình có công với cách mạng; khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ.
- Cải cách hệ thống chính sách, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, công bằng trong thực hiện chính sách cán bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, các đối tượng cán bộ; gắn chính sách cán bộ trong từng khâu của công tác cán bộ, gắn trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền lợi; khuyến khích cán bộ công tác ở địa bàn khó khăn, ở cơ sở; cải cách cơ bản chế độ tiền lương, tiền tệ hoá tiền lương và các chế độ theo lương; ban hành chính sách về nhà ở, nhà công vụ đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang. Cải cách công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước một cách thực chất, khắc phục “bệnh thành tích”, hình thức, lãng phí. Tổ chức phong trào thi đua xây dựng môi trường làm việc tốt để phát huy tốt nhất khả năng cống hiến và phát triển của cán bộ.
- Đổi mới công tác tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ. Hoàn thiện chế độ bầu cử; cải tiến cách thức tuyển chọn, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm cán bộ để chọn đúng người, bố trí đúng việc. Mở rộng quyền đề cử, ứng cử và giới thiệu nhiều phương án nhân sự để lựa chọn. Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất và năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ để phương châm "có lên, có xuống, có vào, có ra" được thực hiện bình thường trong bố trí, sử dụng cán bộ. Xây dựng cơ chế đảng viên và nhân dân tham gia giám sát cán bộ và công tác cán bộ.
Trên đây là nội dung câu trả lời về nội dung các phương pháp khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ từ nay đến 2020. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo hơn tại Kết luận 37-KL/TW.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật