Quản lý đối tượng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia

Quản lý đối tượng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Thanh Lam hiện đang sống và làm việc tại Kiên Giang. Tôi có nghe nói về hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Tôi có thắc mắc mong Ban biên tập giải đáp giúp. Thắc mắc của tôi cụ thể như sau: Quản lý đối tượng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn.

Quản lý đối tượng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia được quy định tại Điều 7 Quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 3421/QĐ-BYT năm 2017 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, theo đó: 

1. Tạo mới đối tượng:

Đối tượng tiêm chủng phải được thu thập đầy đủ thông tin tiêm chủng, đảm bảo không trùng lặp đối tượng trước khi đăng ký vào Hệ thống.

2. Cập nhật thông tin đối tượng:

a) Thông tin cá nhân và lịch sử tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào Hệ thống.

b) Khi thực hiện các bước tiêm chủng, đơn vị thực hiện tiêm chủng phải nhập thông tin mới của đối tượng tiêm chủng ngay trong buổi tiêm. Đối với các điểm tiêm chủng ngoài trạm tại miền núi, vùng sâu, vùng xa không có máy tính và Internet, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc buổi tiêm phải thực hiện nhập thông tin của đối tượng tiêm chủng vào Hệ thống.

c) Đối với các thông tin về phản ứng sau tiêm chủng, phải được cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác sau khi phát hiện.

3. Rà soát các đối tượng:

Cơ sở tiêm chủng phải thực hiện rà soát hàng tuần để đảm bảo không trùng lặp đối tượng.

4. Xóa đối tượng:

a) Không được xóa đối tượng đã có lịch sử tiêm chủng, trừ trường hợp đối tượng trùng lặp trên Hệ thống. Đối tượng tiêm chủng được giữ lại trên Hệ thống phải được giữ lại lịch sử tiêm chủng và cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin của đối tượng tiêm chủng. Mã số đối tượng đã giữ lại trên Hệ thống phải được cung cấp cho đối tượng tiêm chủng.

b) Việc xóa đối tượng sẽ được Hệ thống tự động sao lưu dữ liệu và được gửi thông tin đối tượng đã xóa tới đơn vị đang đồng thời quản lý trên Hệ thống.

c) Chỉ có Trạm Y tế xã trực tiếp quản lý mới có quyền xóa đối tượng.

- Trường hợp trùng lặp từ 02 đối tượng trở lên trong cùng địa bàn xã, Trạm Y tế xã có trách nhiệm rà soát, xác định chính xác thông tin đối tượng và thực hiện việc xóa đối tượng theo nội dung tại điểm a, Khoản 4, Điều 7 của Quy chế này, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống.

- Trường hợp trùng lặp đối tượng từ 02 xã trở lên đang quản lý, trong cùng địa bàn huyện, Trung tâm Y tế huyện có trách nhiệm rà soát, xác định chính xác thông tin đối tượng và chỉ đạo Trạm Y tế xã trực tiếp quản lý thực hiện việc xóa đối tượng và thực hiện đầy đủ các nội dung tại điểm a, Khoản 4, Điều 7 của Quy chế này, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống.

- Trường hợp trùng lặp đối tượng từ 02 xã trở lên, khác địa bàn huyện đang quản lý, trong cùng địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện rà soát, xác định chính xác thông tin đối tượng để Trạm Y tế xã trực tiếp quản lý thực hiện việc xóa đối tượng và thực hiện đầy đủ các nội dung tại điểm a, Khoản 4, Điều 7 của Quy chế này, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống.

- Trường hợp trùng lặp đối tượng từ 02 tỉnh trở lên thuộc cùng 01 khu vực Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực (Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng khu vực) hiện đang quản lý, có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị giải quyết, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống.

- Trường hợp trùng lặp đối tượng từ 02 tỉnh trở lên thuộc các khu vực khác nhau, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Dự án Tiêm chủng mở rộng) có trách nhiệm chỉ đạo Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng khu vực và các đơn vị liên quan giải quyết, đảm bảo duy nhất 01 đối tượng trên Hệ thống.

5. Đối với các đối tượng tử vong hoặc không sinh sống tại Việt Nam trong 06 tháng, Trạm Y tế xã có trách nhiệm cập nhật trạng thái tạm ngừng gọi tiêm trên Hệ thống trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được thông tin.

6. Trong trường hợp có sự cố về Hệ thống phải thông báo ngay cho tổng đài của đơn vị xây dựng Hệ thống để kịp thời hỗ trợ, giải quyết. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi khắc phục xong sự cố, đơn vị thực hiện tiêm chủng phải thực hiện cập nhập đầy đủ, chính xác thông tin đối tượng đã tiêm chủng vào Hệ thống.

Trên đây là tư vấn về quản lý đối tượng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 3421/QĐ-BYT năm 2017. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào