Dẫn đường hoạt động bay theo tính năng

Dẫn đường hoạt động bay theo tính năng được quy định như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm hoạt động bay. Vì thế, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Dẫn đường hoạt động bay theo tính năng được quy định như thế nào? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Quang Huy (0901****)

Dẫn đường hoạt động bay theo tính năng được quy định từ Điều 221 đến Điều 232 Thông tư 19/2017/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo đảm hoạt động bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:

Điều 221. PBN và các kiểu loại PBN

1. PBN được xác định là một phương thức dẫn đường cần thiết cho hoạt động bay được công bố cho một vùng trời xác định, bao gồm RNAV và RNP.

2. RNAV không bao gồm yêu cầu tính năng giám sát và cảnh báo trên tàu bay.

3. RNP là RNAV dựa theo yêu cầu về tính năng đối với tàu bay (tính năng giám sát và cảnh báo trên tàu bay) hoạt động dọc theo đường bay ATS, phương thức tiếp cận bằng thiết bị hoặc trong một vùng trời được Cục Hàng không Việt Nam chỉ định.

4. Các kiểu loại RNAV và RNP như sau:

a) Các kiểu loại RNAV: RNAV 1, RNAV 2, RNAV 5, RNAV 10 (tương đương RNP 10) và các loại khác phù hợp với quy định mới của ICAO;

b) Các kiểu loại RNP: RNP 4, RNP 2, RNP 1, A-RNP, RNP APCH, RNP AR APCH và các loại khác phù hợp với quy định mới của ICAO.

5. Cục Hàng không Việt Nam xác định và công bố từng kiểu loại RNAV và RNP cho các vùng trời không lưu cụ thể phù hợp với quy định, hướng dẫn của ICAO.

Điều 222. Xây dựng kế hoạch thực hiện PBN

Cục Hàng không Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện PBN phù hợp với quy định hướng dẫn của ICAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điều kiện khai thác kỹ thuật thực tế.

Điều 223. Sử dụng dẫn đường RNAV1, RNAV 2

1. RNAV 1, RNAV 2 được sử dụng cho giai đoạn bay đường dài (en-route) hoặc sử dụng cho SID, STAR trong khu vực kiểm soát tiếp cận.

2. RNAV 1, RNAV 2 được sử dụng chủ yếu trong môi trường giám sát ATS. RNAV 1, RNAV 2 có thể áp dụng trong môi trường không có giám sát ATS hoặc bên dưới độ cao tối thiểu dẫn dắt bằng ra đa nếu cơ sở ATS có hệ thống đảm bảo an toàn phù hợp và tính toán tới yếu tố không có tính năng giám sát và cảnh báo của tàu bay.

3. RNAV 1, RNAV 2 chỉ được áp dụng trong trường hợp có phương tiện liên lạc hai chiều giữa kiểm soát viên không lưu và tổ lái.

4. Thiết bị đảm bảo dẫn đường RNAV 1, RNAV 2: GNSS, DME/DME và DME/DME/IRU. Cục Hàng không Việt Nam ấn định chính sách sử dụng phương tiện dẫn đường cụ thể trong Kế hoạch PBN phù hợp với điều kiện khai thác kỹ thuật thực tế.

Điều 224. Sử dụng dẫn đường RNAV 5

1. RNAV 5 được sử dụng cho giai đoạn bay đường dài (en-route) trên đất liền hoặc có thể sử dụng cho giai đoạn đầu của phương thức STAR với cự ly bên ngoài 56 km (30 NM) cách điểm quy chiếu sân bay.

2. RNAV 5 được áp dụng trong môi trường giám sát ATS và chỉ được áp dụng trong trường hợp có phương tiện liên lạc hai chiều giữa kiểm soát viên không lưu và tổ lái.

3. Yêu cầu thiết bị đảm bảo dẫn đường RNAV 5: GNSS, DME/DME, INS hoặc IRS và VOR/DME. Cục Hàng không Việt Nam ấn định chính sách sử dụng phương tiện dẫn đường cụ thể trong Kế hoạch PBN phù hợp với điều kiện khai thác kỹ thuật thực tế.

Điều 225. Sử dụng dẫn đường RNAV 10 (tương đương RNP 10)

1. RNAV 10 được sử dụng để hỗ trợ hoạt động khai thác bay RNAV trong giai đoạn bay đường dài của chuyến bay nhằm trợ giúp áp dụng phân cách dọc 50 NM và phân cách ngang 50 NM trên vùng trời xa, trên biển.

2. RNAV 10 áp dụng mà không yêu cầu bất kỳ hạ tầng thiết bị dẫn đường mặt đất.

3. Khi áp dụng RNAV 10 yêu cầu phải có phương tiện liên lạc trực tiếp (DCPC) giữa kiểm soát viên không lưu và tổ lái để đảm bảo khả năng áp dụng phương thức điều hành bay dựa trên báo cáo vị trí của tổ lái.

Điều 226. Sử dụng dẫn đường RNP 1

1. RNP 1 được sử dụng để hỗ trợ hoạt động khai thác RNP trong SID, STAR; các giai đoạn tiếp cận đầu, tiếp cận giữa và phương thức tiếp cận hụt, trong khu vực có mật độ hoạt động bay thấp hoặc trung bình.

2. RNP 1 dựa trên khả năng định vị của hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu (GNSS). Đặc tính dẫn đường này được sử dụng chủ yếu trong các môi trường nơi mà khả năng không có hoặc bị hạn chế về giám sát ATS. RNP 1 áp dụng cho SID và STAR chủ yếu trong môi trường có liên lạc hai chiều trực tiếp giữa kiểm soát viên không lưu và tổ lái.

3. RNP 1 không được sử dụng ở khu vực mà tín hiệu dẫn đường GNSS không ổn định hoặc bị can nhiễu.

Điều 227. Sử dụng dẫn đường RNP 2

1. RNP 2 được sử dụng để hỗ trợ hoạt động khai thác bay RNP trong giai đoạn bay đường dài của chuyến bay trên vùng lục địa, vùng xa và trên biển, đặc biệt trong các khu vực mà cơ sở hạ tầng dẫn đường mặt đất không có hoặc bị hạn chế vì lý do địa hình.

2. RNP 2 dựa trên khả năng định vị của GNSS. Đặc tính dẫn đường này được sử dụng chủ yếu trong môi trường nơi mà không có khả năng hoặc bị hạn chế về giám sát ATS.

3. RNP 2 không được sử dụng ở khu vực mà tín hiệu dẫn đường GNSS không ổn định hoặc bị can nhiễu.

4. Các yêu cầu về thông tin liên lạc trên đường bay áp dụng đặc tính dẫn đường RNP 2 phụ thuộc vào các yếu tố khai thác như giãn cách giữa các đường bay, mật độ không lưu, mức độ phức tạp và phương thức khẩn nguy.

5. Việc áp dụng giãn cách giữa các đường bay RNP 2 phải được đánh giá an toàn phù hợp với loại hình hoạt động bay khai thác trên các đường bay này, phù hợp với chế độ, điều kiện sử dụng, mật độ không lưu, tính chất phức tạp và khả năng xử lý tình huống của kiểm soát viên không lưu.

Điều 228. Sử dụng dẫn đường RNP 4

1. RNP 4 được sử dụng để hỗ trợ hoạt động khai thác bay RNAV trong giai đoạn bay đường dài của chuyến bay nhằm trợ giúp việc áp dụng phân cách ngang 30 NM và phân cách dọc 30 NM cho vùng trời xa, trên biển.

2. Việc áp dụng RNP 4 không yêu cầu bất kỳ hạ tầng trang thiết bị dẫn đường mặt đất. GNSS là cảm biến dẫn đường chính cho việc áp dụng KNP 4 đóng vai trò như là một hệ thống dẫn đường độc lập hoặc là một thành phần của một hệ thống đa cảm biến.

3. Khi áp dụng RNP 4 yêu cầu phải có phương tiện liên lạc hai chiều trực tiếp (DCPC) hoặc phương tiện liên lạc dữ liệu (CPDLC) giữa kiểm soát viên không lưu và tổ lái cùng với phương tiện giám sát ADS-C.

Điều 229. Tiếp cận bằng GNSS (RNP APCH)

1. Phương thức tiếp cận chót sử dụng GNSS.

2. Giai đoạn tiếp cận hụt có thể dựa vào GNSS hoặc dẫn đường truyền thống.

3. Khi thực hiện phương thức tiếp cận bằng GNSS, yêu cầu có phương tiện liên lạc hai chiều giữa kiểm soát viên không lưu và tổ lái.

4. Tàu bay thực hiện phương thức tiếp cận bằng GNSS phải đảm bảo có phương án dự phòng trong trường hợp nhiễu hoặc mất tín hiệu vệ tinh GNSS.

5. Tàu bay phải được trang bị hệ thống cảnh báo độ toàn vẹn dữ liệu vệ tinh hàng không (RAIM).

Điều 230. Tiếp cận đặc biệt (RNP AR) bằng GNSS

1. Các giai đoạn tiếp cận sử dụng GNSS.

2. Phương thức tiếp cận đặc biệt phải được đánh giá trên hệ thống huấn luyện bay bay giả định.

3. Tàu bay phải được trang bị hệ thống cảnh báo mức độ toàn vẹn vệ tinh (RAIM).

Điều 231. Quy định chung cho các kiểu loại RNAV và RNP, RNP APCH và RNP AR

1. Hệ thống thiết bị đảm bảo dẫn đường để áp dụng các kiểu loại RNAV và RNP phải được kiểm tra, đảm bảo đầy đủ tầm phủ tín hiệu và đánh giá an toàn trước khi sử dụng.

2. Người lái, kiểm soát viên không lưu và các nhân viên có liên quan khác phải được huấn luyện đầy đủ nhằm đảm bảo an toàn, điều hòa và hiệu quả cho hoạt động khai thác này.

Điều 232. Chi tiết về PBN

Chi tiết về PBN thực hiện theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.

Trong đó,

- PBN (Performance based navigation): Dẫn đường theo tính năng. PBN là tính năng dẫn đường cần thiết cho hoạt động bay được công bố cho một vùng trời xác định.

- RNAV (Area navigation): Dẫn đường khu vực. RNAV là phương pháp dẫn đường cho phép tàu bay hoạt động trên quỹ đạo mong muốn trong tầm phủ của đài dẫn đường quy chiếu ở mặt đất hoặc trong tầm giới hạn khả năng của thiết bị tự dẫn trên tàu bay hoặc khi kết hợp cả hai.

- RNP (Required navigation performance): Tính năng dẫn đường yêu cầu.

- Kiểu loại RNAV, RNP là giá trị giới hạn biểu diễn bằng khoảng cách tính theo đơn vị NM từ vị trí dự định mà trong phạm vi đó chuyến bay được thực hiện trong ít nhất là 95% tổng thời gian bay.

- Đường bay ATS là tuyến đường được thiết lập tại đó có cung cấp ATS.

- ATS (Air traffic services): Dịch vụ không lưu.

- ICAO (International Civil Aviation Organization): Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.

- GNSS (Global navigation satellite system): Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu.

- DME (Distance measuring equipment): Thiết bị đo cự ly.

- STAR (Standard instrument arrival): Phương thức đến tiêu chuẩn bằng thiết bị.

- VOR (VHF omnidirectional radio range): Đài vô tuyến đa hướng sóng VHF.

- VHF (Very high frequency): sóng cực ngắn (từ 30 đến 300 Me-ga-héc).

- SID (Standard instrument departure): Phương thức khởi hành tiêu chuẩn bằng thiết bị. SID là đường bay cho tàu bay cất cánh theo IFR được xác định từ một sân bay hoặc đường cất hạ cánh của sân bay tới một điểm trọng yếu xác định trên đường bay ATS mà tại đó bắt đầu thực hiện giai đoạn bay đường dài của chuyến bay.

- STAR (Standard instrument arrival): Phương thức đến tiêu chuẩn bằng thiết bị. STAR là đường bay cho tàu bay đến theo IFR được xác định từ một điểm trọng yếu thông thường trên đường bay ATS tới một điểm mà từ đó có thể bắt đầu thực hiện phương thức tiếp cận bằng thiết bị đã được công bố.

Trên đây là nội dung tư vấn về dẫn đường hoạt động bay theo tính năng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 19/2017/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào