Sử dụng người dưới 16 tuổi làm việc nặng nhọc bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 98 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thì:
- Người nào sử dụng người dưới 16 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tiền 30.000.000 đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
- Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tù 3-7 năm
+ Phạm tội 2 lần trở lên;
+ Làm chết người;
+ Làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
- Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù 5-10 năm.
+ Làm chết 2 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn về hình phạt đối với người thực hiện hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi làm việc nặng nhọc. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật