Số bổ sung ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 342/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì số bổ sung ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định như sau:
1. Số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới:
a) Số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách được xác định theo công thức:
Số bổ sung cân đối = A - (B + C)
Trong đó A, B, C được xác định theo nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Thông tư này; C là các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, phần ngân sách địa phương được hưởng đã mở rộng đến 100%.
b) Số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới ở địa phương được xác định theo nguyên tắc xác định số chênh lệch giữa số chi và số thu ngân sách các cấp dưới, gồm từ các khoản thu được hưởng 100% và phần được hưởng theo tỷ lệ phần trăm (%) từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách chính quyền địa phương;
c) Các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, cơ quan có thẩm quyền quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.
2. Số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; khả năng cân đối của ngân sách cấp trên và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương cấp dưới, để hỗ trợ ngân sách cấp dưới trong các trường hợp sau:
a) Thực hiện các chính sách, chế độ mới do cấp trên ban hành chưa được bố trí trong dự toán ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách; mức hỗ trợ cụ thể được xác định trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách các cấp có liên quan;
b) Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu, chương trình, dự án khác của cấp trên, phần giao cho cấp dưới thực hiện; mức hỗ trợ cụ thể theo dự toán chi được cấp có thẩm quyền giao;
c) Hỗ trợ chi khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp dưới, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính của địa phương theo quy định nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu;
d) Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu, công trình, dự án có ý nghĩa lớn đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nằm trong quy hoạch và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng. Mức hỗ trợ được xác định cụ thể cho từng chương trình, dự án. Tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương quy định tại điểm này tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương;
đ) Số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định hàng năm. Việc sử dụng vốn, kinh phí bổ sung có mục tiêu phải theo đúng mục tiêu quy định. Trường hợp ngân sách cấp dưới sử dụng không đúng mục tiêu hoặc sử dụng không hết, phải hoàn trả ngân sách cấp trên.
Trên đây là nội dung tư vấn về số bổ sung ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 342/2016/TT-BTC.
Trân trọng!