Những đơn vị nào giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước?
Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính - ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước được quy định tại Khoản 1 đến 25 Điều 3 Nghị định 87/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Cụ thể bao gồm:
1. Vụ Ngân sách nhà nước.
2. Vụ Đầu tư.
3. Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I).
4. Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp.
5. Vụ Chính sách thuế.
6. Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính.
7. Vụ Hợp tác quốc tế.
8. Vụ Pháp chế.
9. Vụ Tổ chức cán bộ.
10. Vụ Thi đua - Khen thưởng.
11. Thanh tra.
12. Văn phòng.
13. Cục Quản lý công sản.
14. Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại.
15. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
16. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.
17. Cục Quản lý giá.
18. Cục Tin học và Thống kê tài chính.
19. Cục Tài chính doanh nghiệp.
20. Cục Kế hoạch - Tài chính.
21. Tổng cục Thuế.
22. Tổng cục Hải quan.
23. Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
24. Kho bạc Nhà nước.
25. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong đó, Vụ Ngân sách nhà nước có 5 phòng, Vụ Chính sách thuế có 5 phòng, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có 4 phòng, Vụ Đầu tư có 4 phòng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có 4 phòng, Vụ Pháp chế có 5 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 4 phòng.
Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại có 9 phòng, Cục Quản lý giá có 6 phòng, Cục Quản lý công sản có 5 phòng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có 7 phòng, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán có 5 phòng, Cục Tài chính doanh nghiệp có 9 phòng, Cục Tin học và Thống kê tài chính có 8 phòng, Cục Kế hoạch - Tài chính có 10 phòng, Thanh tra Bộ có 11 phòng, Văn phòng Bộ có 6 phòng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và danh sách các tổ chức sự nghiệp khác thuộc bộ.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 87/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật