Hành vi vi phạm quy định về thuê tài sản trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là gì?
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 07/2014/TT-BTC Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo Nghị định 192/2013/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành thì hành vi vi phạm quy định về thuê tài sản trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được quy định như sau:
Việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về thuê tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 192/2013/NĐ-CP. Một số nội dung được quy định cụ thể như sau:
1. Hành vi thực hiện thuê tài sản khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 192/2013/NĐ-CP là hành vi ký kết hợp đồng thuê tài sản khi chưa có quyết định về thuê tài sản của cấp có thẩm quyền.
Thẩm quyền quyết định thuê tài sản thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;
2. Hành vi thuê tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 192/2013/NĐ-CP là hành vi thuê tài sản để phục vụ hoạt động của tổ chức vượt về diện tích (đối với trụ sở làm việc), vượt về số lượng (đối với phương tiện đi lại, máy móc, trang thiết bị làm việc) so với tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
3. Hành vi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản không đúng hình thức, trình tự quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 192/2013/NĐ-CP bao gồm:
a) Hành vi không thông báo công khai nhu cầu thuê tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
b) Hành vi không thực hiện đấu thầu khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản đối với các trường hợp theo quy định của pháp luật phải thực hiện đấu thầu.
4. Giá trị hợp đồng thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt được xác định như sau:
a) Trường hợp trong hợp đồng thuê tài sản ghi cụ thể tổng giá trị hợp đồng thì xác định theo tổng giá trị ghi trong hợp đồng;
b) Trường hợp trong hợp đồng thuê tài sản ghi số lượng (khối lượng), đơn giá và thời hạn thuê thì tổng giá trị hợp đồng được xác định bằng (=) số lượng (khối lượng) nhân với (x) đơn giá thuê nhân với (x) thời hạn thuê ghi trong hợp đồng;
c) Trường hợp trong hợp đồng không ghi rõ thời hạn thuê thì giá trị hợp đồng thuê được tính theo số tiền thuê tài sản thực tế đã trả kể cả phần tiền thuê trả trước nếu có tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt hành chính.
Trên đây là nội dung tư vấn về hành vi vi phạm quy định về thuê tài sản trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 07/2014/TT-BTC.
Trân trọng!