Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý dự trữ quốc gia

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý dự trữ quốc gia được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Trong quá trình làm việc, tôi có tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chủ quản cấp trên. Trong đó, tôi gặp một vài vướng mắc mong được Ban biên tập hỗ trợ. Cho tôi hỏi, theo quy định pháp luật hiện hành thì Bộ Tài chính được trao những nhiệm vụ, quyền hạn gì trong quản lý dự trữ quốc gia? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Mỹ Vân (van***@gmail.com)

Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính (bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý dự trữ quốc gia được quy định tại Khoản 8 Điều 2 Nghị định 87/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Cụ thể bao gồm:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ danh mục hàng dự trữ quốc gia, tổng mức dự trữ quốc gia, kế hoạch dự trữ quốc gia;

b) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật và quản lý chất lượng đối với hàng dự trữ quốc gia và tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia (trừ tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) theo quy định của pháp luật;

c) Ban hành quy định về chế độ quản lý tài chính, giá mua tối đa, giá bán tối thiểu, giá bồi thường thiệt hại đối với hàng dự trữ quốc gia, mức chi phí cho việc mua, bán, nhập, xuất, bảo quản, bảo hiểm, cứu trợ, viện trợ hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật;

d) Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch dự trữ quốc gia được duyệt, đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động dự trữ quốc gia của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; thẩm định và tổng hợp quyết toán ngân sách chi cho dự trữ quốc gia;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động dự trữ quốc gia của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định;

e) Tổ chức thực hiện các quy định về quản lý, bảo quản, nhập, xuất, mua, bán, luân phiên đổi hàng đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý dự trữ quốc gia. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 87/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào