Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước đối với các tổ chức thực hiện dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ
Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước các tổ chức thực hiện dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ được quy định tại Khoản 25 Điều 2 Nghị định 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Cụ thể bao gồm:
a) Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách về cung ứng các dịch vụ công; về xã hội hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
b) Trình Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới tổ chức sự nghiệp dịch vụ công;
c) Hướng dẫn, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong một số lĩnh vực liên quan, Bộ Tư pháp thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Về lý lịch tư pháp:
+ Hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp; ban hành và quản lý thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về lý lịch tư pháp;
+ Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về lý lịch tư pháp;
+ Quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;
+ Lập Lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định.
- Về trợ giúp pháp lý:
+ Hướng dẫn, kiểm tra tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; quy định các biểu mẫu, giấy tờ về trợ giúp pháp lý;
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý;
+ Xây dựng và quản lý hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước các tổ chức thực hiện dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 22/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật