Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật TP.HCM. Trong quá trình học, khi tìm hiểu đến tổ chức và hoạt động của một số Bộ ngành trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, một vài điểm em chưa nắm rõ, mong được Ban biên tập giải đáp. Cho em hỏi, hiện nay, pháp luật quy định ra sao về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp chẳng hạn như về tư vấn pháp luật, giám định tư pháp,...? Nội dung này được điều chỉnh bởi văn bản nào? Rất mong nhận được hỗ trợ từ các anh chị. Em xin cảm ơn! Ánh Linh (linh_law***@gmail.com)

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản và trọng tài thương mại) được quy định tại Khoản 20 Điều 2 Nghị định 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Cụ thể bao gồm:

a) Hướng dẫn, kiểm tra tổ chức và hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại;

b) Bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên; cấp, thu hồi thẻ công chứng viên; cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề luật sư, Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài; tập hợp, lập và đăng tải danh sách chung về người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

c) Cấp, thu hồi Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài, Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài, Giấy phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; phê chuẩn Điều lệ của Trung tâm trọng tài; có ý kiến về việc thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương;

d) Quản lý tổ chức và hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại trong phạm vi cả nước;

đ) Cấp Giấy phép thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư, cơ sở đào tạo nghề công chứng; quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư, nghề công chứng, nghề đấu giá;

e) Ban hành và hướng dẫn sử dụng thống nhất mẫu văn bản, giấy tờ về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản và trọng tài thương mại). Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 22/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Tư pháp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào