Các trường hợp nào cần tra cứu tàng thư căn cước công dân?
Tàng thư căn cước công dân được quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BCA như sau:
1. Tàng thư căn cước công dân là hệ thống hồ sơ, tài liệu về căn cước công dân được quản lý, phân loại, sắp xếp theo trình tự nhất định để tra cứu và khai thác thông tin.
2. Hồ sơ, tài liệu về căn cước công dân là tập hợp những giấy tờ, tài liệu phản ánh thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân được thu thập, cập nhật thông qua công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân.
3. Tàng thư căn cước công dân do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập, quản lý và bảo quản theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Mỗi công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân thì lập một hồ sơ về căn cước công dân.
Các trường hợp cần tra cứu tàng thư căn cước công dân được pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 11/2016/TT-BCA quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành như sau:
Các trường hợp cần tra cứu gồm:
a) Chứng minh nhân dân bị mất hoặc hư hỏng đến mức không thể xác định được đầy đủ nội dung các thông tin trên Chứng minh nhân dân;
b) Khi cần xác minh, đối chiếu thông tin về công dân trong tàng thư căn cước công dân theo yêu cầu của người có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung câu trả lời về các trường hợp cần tra cứu tàng thư căn cước công dân. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 11/2016/TT-BCA .
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật