Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác hành chính tư pháp

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác hành chính tư pháp được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trong quá trình làm việc, tôi có tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của cơ quan chủ quản cấp trên. Cho tôi hỏi, hiện nay, pháp luật quy định ra sao về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác hành chính tư pháp? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong Ban biên tập hỗ trợ giải đáp giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! Trần Nhật Lâm (lam***@gmail.com)

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) được quy định tại Khoản 14 Điều 2 Nghị định 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Cụ thể bao gồm:

a) Hướng dẫn nghiệp vụ về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; ban hành và quản lý thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực;

b) Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực;

c) Giải quyết thủ tục về xin thôi quốc tịch, xin nhập quốc tịch hoặc xin trở lại quốc tịch Việt Nam để trình Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật;

d) Giải quyết các việc về hộ tịch theo quy định của pháp luật;

đ) Xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Ngoài ra, trong một số lĩnh vực liên quan, Bộ Tư pháp thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Về lý lịch tư pháp:

+ Hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp; ban hành và quản lý thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về lý lịch tư pháp;

+ Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về lý lịch tư pháp;

+ Quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;

+ Lập Lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định.

- Về trợ giúp pháp lý:

+ Hướng dẫn, kiểm tra tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; quy định các biểu mẫu, giấy tờ về trợ giúp pháp lý;

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý;

+ Xây dựng và quản lý hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, chứng thực). Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 22/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Tư pháp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào