Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong quá trình làm việc, tôi có tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của cơ quan chủ quản cấp trên. Cho tôi hỏi, hiện nay, pháp luật quy định ra sao về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong Ban biên tập hỗ trợ giải đáp giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! Vũ Ngọc Linh (linh***@gmail.com)

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được quy định tại Khoản 13 Điều 2 Nghị định 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Cụ thể bao gồm:

a) Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự; quyết định thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án dân sự;

b) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự;

c) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý thi hành án hành chính;

d) Quyết định kế hoạch phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự; bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật;

đ) Ban hành và thực hiện chế độ thống kê về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;

e) Báo cáo về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong một số lĩnh vực liên quan, Bộ Tư pháp thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Về theo dõi thi hành pháp luật:

+ Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật;

+ Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước và trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý liên ngành, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành;

+ Theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

+ Có ý kiến về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:

+ Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc xử lý theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với các văn bản trái pháp luật;

+ Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 22/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Tư pháp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào