Hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp nào thực hiện?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 thì chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mới được tiến hành hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ.
Các tổ chức, doanh nghiệp được tiến hành hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ khi tiến hành hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Được Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao trách nhiệm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ;
- Bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường;
- Việc nghiên cứu, chế tạo công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp sản xuất công cụ hỗ trợ thực hiện trên cơ sở đề án nghiên cứu của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Có đủ phương tiện, thiết bị đo lường phù hợp để kiểm tra, giám sát các thông số kỹ thuật và phục vụ công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất; có nơi thử nghiệm riêng biệt, an toàn theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
- Chủng loại sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; sản phẩm công cụ hỗ trợ phải có nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng;
- Người quản lý, người lao động, người phục vụ có liên quan đến sản xuất công cụ hỗ trợ phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến sản xuất công cụ hỗ trợ.
Trên đây là nội dung tư vấn về các tổ chức, doanh nghiệp được tiến hành hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật