Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công thương Hải Phòng. Trong quá trình làm việc, tôi có tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chủ quản cấp trên. Trong đó, tôi gặp một vài vướng mắc mong được Ban biên tập hỗ trợ. Cho tôi hỏi, theo quy định pháp luật hiện hành thì Bộ Công Thương được trao những nhiệm vụ, quyền hạn gì trong lĩnh vực thương mại điện tử? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Bích Ngọc (ngoc***@gmail.com)

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử được quy định tại Khoản 19 Điều 2 Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương. Cụ thể bao gồm: 

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền kế hoạch, chương trình phát triển thương mại điện tử; kiểm tra, hướng dẫn triển khai sau khi được phê duyệt;

b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế khuyến khích, hỗ trợ và định hướng phát triển thương mại điện tử.

Ngoài ra, trong một số lĩnh vực liên quan, Bộ Công thương được trao những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Về xúc tiến thương mại:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm và tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra theo quy định của pháp luật;

+ Hướng dẫn, kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động quảng cáo thương mại, thương hiệu, hội chợ, triển lãm thương mại, khuyến mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

+ Quản lý nguồn ngân sách nhà nước cho các hoạt động xúc tiến thương mại hàng năm;

+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia theo quy định của pháp luật.

- Về hội nhập kinh tế quốc tế:

+ Xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam;

+ Tổng hợp, xây dựng phương án và tổ chức nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký hoặc gia nhập các điều ước quốc tế song phương, đa phương hoặc khu vực về thương mại trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật; đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do; đàm phán các hiệp định hợp tác kinh tế quốc tế, các thỏa thuận mở rộng thị trường giữa Việt Nam với các nước, các khối nước hoặc vùng lãnh thổ;

+ Đại diện lợi ích kinh tế quốc tế của Việt Nam, đề xuất phương án và tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến kinh tế và thương mại quốc tế của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và các tổ chức, diễn đàn kinh tế quốc tế khác theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 95/2012/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Công Thương

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào