Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm và các ngành công nghiệp
Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công Thương trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác được quy định tại Khoản 15 Điều 2 Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương. Cụ thể bao gồm:
a) Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
b) Tổ chức và kiểm tra việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển các ngành công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
c) Quản lý an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sản phẩm sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa đựng và các sản phẩm thực phẩm khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
d) Quản lý an toàn thực phẩm đối với với các chợ, siêu thị và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm;
đ) Ban hành các quy định và kiểm tra phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
e) Quy định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm; chỉ định đơn vị kiểm nghiệm và đơn vị kiểm nghiệm kiểm chứng; công bố kết quả kiểm nghiệm đối với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
g) Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dự trữ, phân phối sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
h) Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Trường hợp nội dung quảng cáo thực phẩm có công bố tác dụng tới sức khỏe phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Y tế;
i) Chỉ định cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
k) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công Thương trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 95/2012/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật