Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo mã nguồn ngân sách nhà nước

Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo mã nguồn ngân sách nhà nước được quy định như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Gia Bảo, em đang là sinh viên năm cuối tại Học viện hành chính quốc gia TPHCM. Để hoàn thành bài báo cáo của mình, em có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp em, cụ thể việc phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo mã nguồn ngân sách nhà nước được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Em mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (bao***@gmail.com)

Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo mã nguồn ngân sách nhà nước được quy định tại Mục VI Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Mục lục Ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành như sau:

- Phân loại Mục lục NSNN theo mã Nguồn NSNN là việc phân loại trên cơ sở dự toán được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân giao cho đơn vị dự toán (gồm cả bổ sung hoặc thu hồi trong quá trình điều hành ngân sách) theo quy định của Luật NSNN, được phân loại căn cứ nguồn gốc hình thành, bao gồm nguồn trong nước và nguồn ngoài nước, cụ thể:

+ Nguồn ngoài nước là nguồn vốn nước ngoài tài trợ theo nội dung, địa chỉ sử dụng cụ thể theo cam kết của nhà tài trợ, bên cho vay nước ngoài được ký kết với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

+ Nguồn trong nước là các nguồn vốn còn lại, bao gồm cả nguồn vốn ngoài nước tài trợ không theo nội dung, địa chỉ sử dụng cụ thể được coi là nguồn vốn trong nước và được hạch toán theo mã nguồn trong nước.

- Nguồn NSNN được mã hóa theo 2 ký tự, trong đó:

+ Nguồn vốn trong nước: Mã số 01

+ Nguồn vốn ngoài nước: Mã số 50

- Đối với mã nguồn trong nước, hạch toán chi thường xuyên theo mã số tính chất nguồn kinh phí; chi đầu tư theo mã số nguồn vốn đầu tư. Bộ Tài chính quy định danh mục mã số và hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp hạch toán chi tiết theo từng nguồn vốn đầu tư trong chế độ kế toán nhà nước.

- Đối với mã nguồn ngoài nước, trường hợp có đầy đủ chứng từ để xác định mã số cụ thể theo nguyên tắc trên, kế toán hạch toán các khoản thu, chi từ nguồn viện trợ, vay nợ chi tiết theo mã các nhà tài trợ cụ thể. Trường hợp khoản thu, chi từ nguồn viện trợ, vay nợ có nhiều nhà tài trợ nhưng không xác định số thu, chi theo từng nhà tài trợ cụ thể, kế toán hạch toán vào mã nhà tài trợ khác.

Trên đây là nội dung quy định về phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo mã nguồn ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào