Khi sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo mục, tiểu mục cần lưu ý những nội dung gì?

Khi sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo mục, tiểu mục cần lưu ý những nội dung gì? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Thái Tuấn, em đang là sinh viên năm cuối tại Học viện hành chính quốc gia TPHCM. Em đã được học về việc sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo mục, tiểu mục nhưng giảng viên có đề cập đến những nội dung cần lưu ý khi sử dụng. Tuy nhiên, em vẫn chưa thật sự nắm rõ những nội dung này và có văn bản pháp luật nào quy định về những nội dung này không? Em mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (tuan***@gmail.com)

Mã mục, tiểu mục trong ngân sách nhà nước được quy định tại Mục IV Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Mục lục Ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành như sau:

1. Về Mục, Tiểu mục thu (từ Mục 1000 đến Mục 5999)

1.1. Mục 1050 “Thuế thu nhập doanh nghiệp’’

Trong đó lưu ý:

- Tiểu mục 1052 “Thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh (gồm cả dịch vụ trong lĩnh vực dầu khí)”: Thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí không hạch toán ở Tiểu mục này mà được hạch toán ở Tiểu mục 1056.

- Tiểu mục 1099 “Thuế thu nhập doanh nghiệp khác”: Để phản ánh các khoản thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp ngoài các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp đã có Tiểu mục phản ánh cụ thể và được sử dụng khi có hướng dẫn cụ thể.

1.2. Mục 1150 “Thu nhập sau thuế thu nhập”

- Tiểu mục 1151 “Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ”: Căn cứ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ vào NSNN thì hạch toán vào Tiểu mục này; riêng đối với công ty xổ số kiến thiết thì hạch toán vào Tiểu mục 1153.

- Tiểu mục 1154 “Thu nhập từ cổ tức được chia từ phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”: Doanh nghiệp có vốn góp nhà nước (trong đó bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)) được chia cổ tức cho phần vốn nhà nước nộp vào NSNN thì hạch toán Tiểu mục này; được chia lợi nhuận cho phần vốn nhà nước đầu tư nộp vào NSNN thì hạch toán Tiểu mục 1155.

1.3. Mục 1250 “Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, vùng trời, vùng biển”

- Trong đó lưu ý: Đối với thu NSNN từ hoạt động cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, vùng trời, vùng biển được hạch toán Chương của người nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vì một người nộp NSNN không nộp theo 2 chương khác nhau.

- Tiểu mục 1299 “Thu từ các tài nguyên khác”: Để phản ánh các khoản thu ngoài các khoản cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, vùng trời, vùng biển đã có Tiểu mục phản ánh cụ thể và được sử dụng khi có hướng dẫn cụ thể và được sử dụng khi có hướng dẫn cụ thể.

1.4. Mục 1400 “Thu tiền sử dụng đất”

- Tiểu mục 1401 “Đất được nhà nước giao”: Để phản ánh các khoản thu tiền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở.

- Tiểu mục 1407 “Tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất do cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Nhà nước quản lý”: Để phản ánh các khoản thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất gắn với tài sản trên đất của cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước. Trường hợp không xác định được riêng giá trị tài sản trên đất, thì hạch toán toàn bộ số tiền thu được từ chuyển mục đích sử dụng đất và tài sản trên đất vào tiểu mục này.

- Tiểu mục 1408 “Đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê”: Để phản ánh các khoản thu tiền sử dụng đất của tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; tổ chức kinh tế được giao đất để xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng, trong đó có diện tích nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.

- Tiểu mục 1411 “Đất được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất”: Để phản ánh các khoản thu tiền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm nhà ở, đất phi nông nghiệp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

- Tiểu mục 1449 “Khác”: Để phản ánh các khoản thu tiền sử dụng đất được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp sang đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa có mục đích kinh doanh thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất; tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng và được sử dụng khi có hướng dẫn cụ thể.

1.5. Mục 1550 “Thuế tài nguyên”, Tiểu mục 1551 “Dầu, condensate (không kể thuế tài nguyên thu theo hiệp định, hợp đồng)”

Để phản ánh thuế tài nguyên khai thác dầu, khí không theo hiệp định, hợp đồng phân chia sản phẩm (thuế tài nguyên thu theo các hiệp định, hợp đồng thăm dò khai thác dầu, khí được hạch toán Mục 3750, Tiểu mục 3751 và Mục 3800, Tiểu mục 3801).

1.6. Mục 1600 “Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”, Tiểu mục 1649 “Thu từ đất phi nông nghiệp khác”

Để phản ánh các khoản thu Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật đối với đất phi nông nghiệp do cơ sở tôn giáo sử dụng; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; đất có công trình là đình, đền, miếu ... nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh. Tiểu mục 1649 “Thu từ đất phi nông nghiệp khác” chỉ dùng khi có hướng dẫn cụ thể.

1.7. Mục 1700 “Thuế giá trị gia tăng”, Tiểu mục 1749 “Hàng hóa dịch vụ khác”

Để phản ánh khoản thu từ Thuế GTGT theo các đối tượng quản lý theo từng Tiểu mục phản ánh cụ thể. Tiểu mục 1749 “Hàng hóa, dịch vụ khác” được sử dụng khi có hướng dẫn cụ thể.

1.8. Mục 1750 “Thuế tiêu thụ đặc biệt”, Tiểu mục 1799 “Khác”

Để phản ánh khoản thu từ Thuế tiêu thụ đặc biệt theo các Tiểu mục phản ánh cụ thể. Tiểu mục 1799 “Khác” được sử dụng khi có hướng dẫn cụ thể.

1.9. Mục 2000 “Thuế bảo vệ môi trường”

- Thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước (được phản ánh từ Tiểu mục 2001 đến 2019 và 2048): Để phản ánh khoản thu Thuế bảo vệ môi trường các sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước, do cơ quan Thuế quản lý thu.

- Thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa nhập khẩu bán ra trong nước (được phản ánh từ Tiểu mục 2041 đến 2047): Để phản ánh khoản thu Thuế bảo vệ môi trường các hàng hóa nhập khẩu bán ra trong nước, do cơ quan Thuế quản lý thu.

- Thuế bảo vệ môi trường đối với Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu (được phản ánh vào Tiểu mục 2021), do cơ quan Hải quan quản lý thu.

1.10. Mục 2850 “Lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến sản xuất, kinh doanh”

- Tiểu mục 2862 “Lệ phí môn bài mức (bậc) 1”: Để phản ánh các khoản thu Lệ phí môn bài đối với tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nộp theo mức cao nhất.

- Tiểu mục 2863 “Lệ phí môn bài mức (bậc) 2”: Để phản ánh các khoản thu Lệ phí môn bài đối với tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nộp theo mức cao thứ 2.

- Tiểu mục 2864 “Lệ phí môn bài mức (bậc) 3”: Để phản ánh các khoản thu Lệ phí môn bài đối với tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nộp theo mức thấp nhất.

1.11. Mục 3200 “Thu tiền bán hàng hóa, vật tư dự trữ Quốc gia”

Để phản ánh các khoản phải nộp NSNN từ việc bán hàng hóa, vật tư dự trữ của các cơ quan được giao nhiệm vụ dự trữ quốc gia.

1.12. Mục 3300 “Thu tiền bán và thanh lý nhà thuộc sở hữu nhà nước”

Để phản ánh các khoản thu từ việc bán và thanh lý nhà thuộc sở hữu nhà nước không bao gồm tiền sử dụng đất (tiền sử dụng đất được phản ánh ở Tiểu mục 1407 “Tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất do cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Nhà nước quản lý” của Mục 1400 “Thu tiền sử dụng đất’’).

1.13. Mục 3350 “Thu từ bán và thanh lý tài sản khác”

Để phản ánh các khoản thu từ việc bán và thanh lý các tài sản (trừ nhà) thuộc sở hữu nhà nước, trong đó lưu ý: Hạch toán Tiểu mục 3365 “Thu tiền bán tài sản nhà nước khác” gắn với Chương của đơn vị nộp thuộc trung ương hoặc địa phương.

1.14. Mục 3400 “Thu tiền bán tài sản vô hình”, Tiểu mục 3449 “Khác”

Để phản ánh các khoản thu từ tiền bán tài sản vô hình theo các Tiểu mục phản ánh cụ thể. Tiểu mục 3449 “Khác” được sử dụng khi có hướng dẫn cụ thể.

1.15. Mục 3650 “Thu từ tài sản Nhà nước giao các tổ chức kinh tế”

Để phản ánh các khoản thu từ tất cả các tài sản của Nhà nước theo các Tiểu mục phản ánh cụ thể.

Tiểu mục 3653 “Thu hồi vốn của Nhà nước” bao gồm cả thu từ bán cổ phần của Nhà nước tại các tổ chức kinh tế.

1.16. Mục 4250 “Thu tiền phạt”

Việc hạch toán khoản tiền phạt, tiền chậm nộp do ngành thuế, hải quan quản lý theo các Tiểu mục 4253, 4254, 4264, 4265, 4268, 4272, 4273, 4274, 4275 hạch toán theo chương người nộp tương ứng.

1.17. Mục 4300 ‘‘Thu tịch thu”

Trong đó lưu ý: Để phản ánh số thu từ việc tịch thu cả bằng tiền và bằng hiện vật đã bán thu được tiền. Cơ quan nào quyết định phạt tịch thu thì hạch toán vào Tiểu mục tương ứng của cơ quan đó. Ví dụ: cơ quan hải quan quyết định tịch thu, thì hạch toán Tiểu mục 4303, 4304; cơ quan thuế quyết định tịch thu thì hạch toán Tiểu mục 4312, 4313.

1.18. Mục 4450 “Các khoản huy động theo quy định của pháp luật”, Tiểu mục 4451 “Xây dựng kết cấu hạ tầng”

Để phản ánh số thu huy động xây dựng kết cấu hạ tầng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (gồm cả số thu huy động quỹ công ích - nếu có). Các khoản đóng góp có tính chất tự nguyện, được phản ánh vào Mục 4500 “Các khoản đóng góp tự nguyện”.

1.19. Mục 4700 “Thu từ các khoản hoàn trả giữa các cấp ngân sách”

Để phản ánh thu các khoản hoàn trả giữa các cấp ngân sách từ khoản thu được hưởng theo tỷ lệ điều tiết, nhưng theo quy định phải chuyển cho cấp khác và thu hồi khoản bị điều tiết sai các năm trước.

Đối với khoản thu hồi do bị điều tiết sai các năm trước hạch toán vào tiểu mục 4703.

1.20. Mục 4850 “Thu từ hỗ trợ của địa phương khác”

Để phản ánh số thu từ địa phương khác hỗ trợ theo quy định của Luật NSNN.

1.21. Mục 4900 “Các khoản thu khác"

- Tiểu mục 4902 “Thu hồi các khoản chi năm trước”:

+ Để phản ánh số thu hồi các khoản chi của NSNN đã cấp cho các đơn vị dự toán và ngân sách cấp dưới, đã được quyết toán vào niên độ năm trước, nhưng sau đó phát hiện đơn vị sử dụng sai quy định hoặc được cấp thừa, và cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi nộp NSNN.

+ Để phản ánh thu tiền bán vật tư, hàng hóa tồn kho đã được quyết toán vào chi ngân sách năm trước, nay không dùng nữa (trừ khoản bán hàng dự trữ quốc gia đã hạch toán ở mục 3200, thu từ thanh lý tài sản đã được hạch toán ở Mục 3300 và Mục 3350).

- Tiểu mục 4907 “Thu chênh lệch giá bán trái phiếu so với mệnh giá”.

Để phản ánh phần thu bán trái phiếu cao hơn mệnh giá theo chế độ quy định.

- Các tiểu mục từ 4917 đến 4947 dùng để phản ánh các khoản thu tiền chậm nộp theo quy định (riêng khoản tiền chậm nộp phạt đã hạch toán ở mục 4250).

- Tiểu mục 4949 dùng để phản ánh các khoản thu phát sinh mà chưa có tiểu mục riêng và khoản thu hồi nợ các khoản thu không có tên riêng.

2. Về Mục và Tiểu mục chi NSNN từ Mục số 6000 đến Mục 9989

2.1. Tiểu mục 6003 “Lương hợp đồng theo chế độ” của Mục 6000 “Tiền lương”

Để hạch toán chi trả lương cho đối tượng hợp đồng theo chế độ được chi tiêu từ quỹ lương, biên chế của đơn vị theo quy định (không gồm các đối tượng ký hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP).

2.2. Tiểu mục 6051 “Tiền công trả cho vị trí lao động thường xuyên theo hợp đồng”

Được dùng để phản ánh chi trả tiền công cho đối tượng không nằm trong chỉ tiêu biên chế, phải thực hiện chế độ ký hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.

2.3. Mục 6100 “Phụ cấp lương”

- Tiểu mục 6105 - Phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ: Sử dụng để phản ánh khoản chi thanh toán tiền lương cho thời gian làm việc vào ban đêm và khoản chi thanh toán tiền lương làm thêm giờ theo chế độ quy định. Nếu người lao động không có chế độ làm đêm theo quy định, thì không được thanh toán tiền lương làm vào ban đêm. Người lao động được đơn vị huy động làm thêm giờ ngoài giờ làm việc tiêu chuẩn, thì được thanh toán tiền làm thêm giờ cho số giờ làm việc vượt số giờ làm việc tiêu chuẩn.

- Tiểu mục 6114 - Phụ cấp trực: Sử dụng để phản ánh khoản chi thanh toán phụ cấp trực cho cán bộ công chức làm việc theo chế độ trực tại các cơ quan, đơn vị. Ví dụ như chế độ trực của ngành y tế theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

2.4. Mục 6150 “Học bổng và hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên, cán bộ đi học”

Để phản ánh cả các khoản chi học bổng, hỗ trợ người học theo ngành nghề đào tạo cho học sinh, sinh viên, cán bộ đi học (nếu có).

2.5. Mục 6200 “Tiền thưởng”

Để phản ánh các khoản chi thưởng theo chế độ của Nhà nước từ nguồn kinh phí NSNN. Trường hợp chi thưởng từ quĩ tiền thưởng của đơn vị thì không hạch toán vào đây.

2.6. Mục 6250 “Phúc lợi tập thể”

Để phản ánh các khoản chi NSNN có tính chất phúc lợi cho cán bộ, công chức nhà nước theo chế độ quy định hiện hành của Nhà nước. Trường hợp chi phúc lợi từ quỹ phúc lợi của đơn vị, thì không hạch toán vào đây. Các khoản chi phúc lợi theo chế độ chung của Nhà nước hạch toán vào các Tiểu mục tương ứng thuộc Mục 6250, ví dụ khoản chi tiền nước uống hạch toán Tiểu mục 6257 “Tiền nước uống”. Riêng Tiểu mục 6299 chỉ hạch toán khi có hướng dẫn cụ thể.

2.7. Mục 6300 “Các khoản đóng góp”

Để phản ánh phần kinh phí NSNN cấp cho đơn vị sử dụng lao động để nộp các quỹ như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế... theo chế độ quy định. Đối với phần do người lao động nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,... được trích từ lương, thu nhập, đơn vị sử dụng lao động là người nộp thay nên không hạch toán vào chi NSNN.

Đối với bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hạch toán vào Tiểu mục 6349 “Các khoản đóng góp khác”.

2.8. Mục 6400 “Các khoản thanh toán khác cho cá nhân”

Để phản ánh các khoản chi thanh toán khác của NSNN cho cán bộ, công chức được hưởng theo chế độ quy định, được bố trí trong dự toán ngân sách nhưng chưa được hạch toán ở các Mục từ 6000 đến 6350 của Tiểu nhóm 0129 “Chi thanh toán cho cá nhân”.

- Tiểu mục 6401 “Tiền ăn”:

Để phản ánh các khoản chi NSNN cho các đối tượng được hưởng chế độ tiền ăn theo chế độ quy định như: hạ sĩ quan, chiến sĩ, vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ, công chức nhà nước làm việc trong các lĩnh vực đặc biệt... (không kể tiền ăn của học viên các trường giáo dưỡng, trại xã hội tập trung và tiền ăn của phạm nhân, can phạm trong các trại giam được hạch toán Tiểu mục 7011).

- Tiểu mục 6449 “Chi khác”:

Để phản ánh các khoản chi NSNN cho các đối tượng là cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ cụ thể; khi thực hiện nhiệm vụ này ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp lương và công tác phí... theo quy định còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp khác theo các quy định của cấp có thẩm quyền (nếu có), như: chi bồi dưỡng bằng tiền hoặc hiện vật; chi trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức chi trợ cấp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại... Tiểu mục 6449 không dùng để hạch toán khoản chi phụ cấp làm ngoài giờ hành chính và làm đêm. Khoản chi cho cán bộ, công chức, viên chức được huy động trực ngày lễ, ngày tết: nếu trực xử lý chuyên môn thì hạch toán khoản chi làm đêm, làm thêm giờ theo quy định; nếu trực tự vệ cơ quan, đơn vị mà trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị có quy định là khoản “bồi dưỡng”, được chi từ Quỹ phúc lợi cơ quan, không chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước thì không hạch toán vào Mục lục ngân sách nhà nước theo quy định.

2.9. Mục 6500 “Thanh toán dịch vụ công cộng’’

Để phản ánh các khoản chi thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền nhiên liệu, tiền vệ sinh môi trường cho các cơ quan làm dịch vụ công cộng có liên quan.

Tiểu mục 6504 “Tiền vệ sinh, môi trường”:

Để phản ánh các khoản chi thanh toán cho công ty vệ sinh môi trường (như dọn vệ sinh cống rãnh, rác, phân, vệ sinh cơ quan...). Đối với tiền vệ sinh cơ quan do các lao động hợp đồng thực hiện không hạch toán ở Mục và Tiểu mục này, mà được hạch toán ở các Mục và Tiểu mục tương ứng.

Tiểu mục 6505 “Tiền khoán phương tiện theo chế độ”:

Khoản chi khoán phương tiện theo đơn giá khoán gồm tiền nhiên liệu và khấu hao xe được hạch toán vào Tiểu mục 6505.

2.10. Mục 6550 “Vật tư văn phòng”

Để phản ánh các khoản chi NSNN mua văn phòng phẩm, sổ sách, công cụ, dụng cụ và vật rẻ tiền mau hỏng phục vụ cho hoạt động của văn phòng hoặc khoán chi văn phòng phẩm.

Đối với Tiểu mục 6552 - Mua sắm công cụ, dụng cụ văn phòng: Dùng để phản ánh các khoản chi mua sắm công cụ, dụng cụ văn phòng không thuộc đối tượng quản lý theo quy định về tài sản.

2.11. Mục 6600 “Thông tin, tuyên truyền, liên lạc”

Để phản ánh các khoản chi NSNN thanh toán tiền cước phí bưu chính, điện thoại, tiền thuê bao kênh vệ tinh, các khoản chi liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền, quảng cáo, biên dịch tài liệu, xuất bản ấn phẩm truyền thông; mua báo, tạp chí, sách cho thư viện, lưu trữ, bảo tàng sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động truyền thống của các ngành, chi mua và phục chế hiện vật của nhà bảo tồn, bảo tàng... theo chế độ quy định (không kể các khoản chi của NSNN cho việc kỷ niệm các ngày lễ lớn đã được hạch toán ở Mục 7750, Tiểu mục 7752).

2.12. Mục 6650 “Hội nghị”

Để phản ánh các khoản chi cho hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn nghiệp vụ, hội thảo chuyên đề...

Tiểu mục 6653 và 6654 dùng để phản ánh các khoản chi tiền vé máy bay, ôtô, tàu; tiền thuê phòng ngủ cho các đại biểu mời không hưởng lương từ NSNN (đối với các khoản chi cho các đại biểu mời hưởng lương từ NSNN được hạch toán ở Mục 6700, các Tiểu mục tương ứng).

2.13. Mục 6700 “Công tác phí”

Tiểu mục 6704 - Khoán công tác phí dùng để phản ánh khoản chi tiền công tác phí theo định mức khoán theo chế độ quy định.

2.14. Mục 6750 “Chi phí thuê mướn”

Để phản ánh các khoản chi trả liên quan đến việc thuê mướn để phục vụ hoạt động của đơn vị (trừ các khoản thuê mướn, các khoản chi đã hạch toán ở các Mục 6600, 6650, 6900, 7000).

- Tiểu mục 6751 “Thuê phương tiện vận chuyển”:

Để phản ánh các khoản chi thuê xe ôtô, môtô, xe chuyên dùng, tàu, thuyền...

- Tiểu mục 6752 “Thuê nhà; thuê đất”:

Để phản ánh các khoản chi thuê trụ sở làm việc, lớp học, kho tàng, trạm, trại, hội trường (không kể thuê hội trường để phục vụ hội nghị đã được hạch toán Mục 6650),...

- Tiểu mục 6757 “Thuê lao động trong nước”:

Để phản ánh các khoản chi thuê lao động trong nước làm các công việc phục vụ công tác chuyên môn như bốc vác, vận chuyển, các khoản thuê lao động theo hợp đồng có thời hạn (theo thời vụ) ... Không bao gồm tiền công lao động theo hợp đồng thường xuyên (đã hạch toán Mục 6050).

- Tiểu mục 6758 “Thuê đào tạo lại cán bộ”:

Để phản ánh các khoản chi liên quan đến công tác đào tạo lại cán bộ như tiền thuê phòng học; thuê tài liệu, dụng cụ học tập; thuê giáo viên hoặc thanh toán chuyển trả tiền đào tạo cán bộ cho các trường đào tạo tập trung.

2.15. Mục 6900 “Sửa chữa, duy tu tài sản phục vụ công tác chuyên môn và các công trình cơ sở hạ tầng”

Để phản ánh các khoản chi như mua nguyên vật liệu, nhiên liệu; mua thiết bị phụ tùng thay thế; thuê nhân công và thuê phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng từ kinh phí thường xuyên (kể cả các khoản thanh toán cho các hợp đồng thuê ngoài). Việc quản lý theo quy định về tài sản thì được mở sổ theo dõi, quản lý theo quy định.

2.16. Mục 6950 “Mua sắm tài sản dùng cho công tác chuyên môn”

Dùng để hạch toán đối với tài sản từ nguồn kinh phí thường xuyên (theo quy định phải quản lý theo chế độ của tài sản nhà nước) dùng cho công tác chuyên môn.

Để phản ánh cả chi nộp Lệ phí trước bạ (nếu có) khi mua tài sản được tính vào giá mua tài sản. Việc quản lý theo quy định về tài sản thì được mở sổ theo dõi, quản lý theo quy định.

2.17. Mục 7000 “Chi phí nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành”

Để phản ánh các khoản chi mua sắm vật tư, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng không phải là tài sản và khoản chi phí khác phục vụ hoạt động chuyên môn của từng ngành chưa được hạch toán vào các Mục của Tiểu nhóm 0130 “Chi về hàng hóa dịch vụ”.

Tiểu mục 7012 - Chi phí hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành phản ánh các khoản chi cho công tác chuyên môn của các ngành, lĩnh vực như chi mua sách, tài liệu, chế độ dùng cho công tác chuyên môn của ngành (không phải là tài sản cố định), chi mua súc vật dùng cho hoạt động chuyên môn của ngành.

Đối với khoản chi thanh toán hợp đồng thực hiện nghiệp vụ chuyên môn được phản ánh vào Tiểu mục 7049 - Chi khác.

2.18. Mục 7050 “Mua sắm tài sản vô hình”

Dùng để hạch toán đối với tài sản là bằng sáng chế, mua bản quyền nhãn hiệu thương mại, mua phần mềm máy tính ứng dụng sẵn có hoặc chi phí đầu tư, xây dựng phần mềm máy tính từ nguồn kinh phí thường xuyên tạo ra tài sản quy định phải quản lý theo chế độ tài sản nhà nước.

2.19. Mục 7100 “Chi hỗ trợ kinh tế tập thể và dân cư’’

Để phản ánh các khoản chi NSNN hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể và dân cư.

- Tiểu mục 7101 “Chi di dân”:

Để phản ánh các khoản chi đưa, đón dân; các khoản chi phí vận chuyển và các khoản trợ cấp cho dân theo chế độ quy định.

- Tiểu mục 7102 “Chi hỗ trợ các loại hình hợp tác xã”:

Để phản ánh các khoản chi NSNN hỗ trợ về vốn, về thuốc sâu, phân bón... cho sản xuất (kể cả hỗ trợ các hợp tác xã khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra).

- Tiểu mục 7103 “Chi trợ cấp dân cư”:

Để phản ánh các khoản chi của NSNN trợ cấp cứu tế, cứu đói trực tiếp cho dân cư (kể cả các khoản hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai) và các khoản chi bằng tiền khác trực tiếp cho dân theo chế độ.

2.20. Mục 7400 “Chi viện trợ”

Để phản ánh các khoản chi viện trợ (chi đầu tư và chi thường xuyên) của NSNN cho công tác đào tạo, y tế, văn hóa, chi mua sắm, máy móc, thiết bị... cho Lào (C), cho Campuchia (K) và các Chính phủ, tổ chức ngoài nước khác.

2.21. Mục 7550 “Chi hoàn thuế giá trị gia tăng theo Luật Thuế giá trị gia tăng”

Để hạch toán Thuế GTGT kê khai “đầu vào” lớn hơn “đầu ra” theo quy định của Luật Thuế GTGT.

2.22. Mục 7650 “Chi trả các khoản thu nhầm, thu thừa năm trước và chi trả lãi do trả chậm”

Để hạch toán chi trả khoản thu nhầm, thu thừa, chi trả lãi do trả chậm căn cứ theo quy định của pháp luật; gồm cả khoản chi trả khoản thu Thuế GTGT nộp nhầm, thừa.

2.23. Mục 7700 “Chi hoàn trả giữa các cấp ngân sách”

Để phản ánh các khoản chi trả giữa các cấp ngân sách từ số thu được hưởng theo tỷ lệ điều tiết, nhưng phải chuyển trả ngân sách cấp khác và khoản đã điều tiết sai trong các năm trước.

Đối với các khoản chi trả ngân sách cấp trên hoặc trả ngân sách cấp dưới do thực hiện sai tỷ lệ điều tiết từ các năm trước được hạch toán Tiểu mục 7703.

Trường hợp chi trả các khoản đã thu năm trước cho các đối tượng thì được hạch toán vào các Tiểu mục từ 7651 đến 7655 tương ứng với cơ quan quyết định hoàn trả và tính chất hoàn trả.

2.24. Mục 7750 “Chi khác”

Tiểu mục 7764 - Chi lập quỹ khen thưởng theo chế độ quy định phản ánh khoản chi lập quỹ khen thưởng theo chế độ của các đơn vị chức năng để khen thưởng cho đơn vị khác, như cơ quan thi đua khen thưởng, cơ quan nội vụ, khác với nội dung chi khen thưởng của chính đơn vị sự nghiệp có thu từ quỹ khen thưởng được trích lập (Tiểu mục 7953).

Tiểu mục 7799 “Chi các khoản khác”: Để phản ánh khoản chi ngân sách khác (ngoài các khoản chi đã được phản ánh vào các Tiểu mục có tên theo nội dung kinh tế cụ thể trong Mục 7750).

2.25. Mục 7850 “Chi cho công tác Đảng ở tổ chức Đảng cơ sở và các cấp trên cơ sở, các đơn vị hành chính, sự nghiệp”

Đối với các khoản phụ cấp trách nhiệm của cấp ủy viên kiêm nhiệm công tác đảng được phản ánh tại Tiểu mục 7854 “Chi thanh toán các dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin tuyên truyền, liên lạc; chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, công tác Đảng, các chi phí Đảng vụ khác và phụ cấp cấp ủy”.

2.26. Mục 7950 “Chi lập các quỹ của đơn vị thực hiện khoán chi và đơn vị sự nghiệp có thu theo chế độ quy định”

Đối với khoản chi phúc lợi bắt buộc phải chi từ Quỹ phúc lợi thì phải thực hiện trích lập Quỹ phúc lợi theo chế độ và khi trích lập Quỹ hạch toán theo Tiểu mục tương ứng Mục 7950 - Chi lập các quỹ của đơn vị thực hiện khoán chi và đơn vị sự nghiệp có thu. Khi chi từ Quỹ phúc lợi thì không hạch toán vào NSNN.

2.27. Mục 8950 “Đầu tư vốn cho các doanh nghiệp, các quỹ”

Ngày 08/02/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 11/2017/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Khi thực hiện chi ngân sách nhà nước ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hạch toán theo Tiểu mục: 8999 - Khác.

2.28. Mục 9400 “Chi phí khác”

Đối với các khoản mua sắm ô tô của ban quản lý dự án đầu tư phản ánh Tiểu mục 9401 - Chi phí quản lý dự án.

Tiểu mục 9449 “Chi khác”: Các khoản chi khác theo quy định quản lý đầu tư chưa có tiểu mục riêng, được phản ánh ở tiểu mục này.

3. Về Mục và Tiểu mục vay và trả nợ gốc vay, theo dõi chuyển nguồn, tạm ứng

3.1. Mã số danh mục các Mục, Tiểu mục theo dõi vay và trả nợ gốc vay của NSNN (Mục 0820 và Mục 0840)

Để phản ánh số vay và trả nợ gốc vay của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo chế độ quy định. Việc hạch toán theo quy định của chế độ kế toán NSNN: Số đi vay được hạch toán vào bên có Tài khoản phải trả nợ vay; sổ trả nợ gốc vay được hạch toán bên nợ Tài khoản phải trả nợ vay. Khi báo cáo phải lập theo số phát sinh vay và trả nợ vay trong năm.

3.2. Mã số danh mục theo dõi chuyển nguồn giữa các năm

Khi “chi” chuyển nguồn sang năm sau hạch toán Mục 0950, các Tiểu mục tương ứng thuộc sổ năm nay, đồng thời hạch toán “thu” từ nguồn năm trước chuyển sang năm nay - Mục 0900, các Tiểu mục tương ứng thuộc sổ năm sau. Cụ thể:

a) Mục 0900 “Nguồn năm trước chuyển sang năm nay”

Mục 0900 dùng để phản ánh thu năm nay từ nguồn năm trước chuyển sang.

- Tiểu mục 0913 “Nguồn thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản tính theo tiền lương cơ sở, bảo trợ xã hội” và Tiểu mục 0963 “Nguồn thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản tính theo tiền lương cơ sở, bảo trợ xã hội”:

Dùng để phản ánh khoản kinh phí xử lý tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản tính theo tiền lương, bảo trợ xã hội tăng thêm khi tăng tiền lương cơ sở theo quy định.

- Tiểu mục 0914 “Kinh phí được giao tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan nhà nước; các khoản viện trợ không hoàn lại đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi”:

Để phản ánh các khoản kinh phí thực hiện cơ chế “khoán” về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo quy định của Chính phủ; kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ và các khoản viện trợ không hoàn lại đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi; và các khoản viện trợ không hoàn lại đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi.

- Tiểu mục 0915 “Các khoản dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30 tháng 9 năm thực hiện dự toán, không bao gồm các khoản bổ sung do các đơn vị dự toán cấp trên điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị dự toán trực thuộc”:

Để phản ánh nguồn năm trước đã giao đơn vị được chuyển sang năm nay theo các văn bản bổ sung dự toán của cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân hoặc ủy quyền cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch) sau ngày 30 tháng 9 năm thực hiện dự toán.

- Tiểu mục 0916 “Kinh phí nghiên cứu khoa học bố trí trong thời gian thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền quyết định”:

Để phản ánh kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ trong thời gian thực hiện chương trình, dự án, đề tài được cấp có thẩm quyền giao hoặc hợp đồng ký kết với Chủ nhiệm chương trình.

- Tiểu mục 0917 “Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi được phép chuyển sang năm nay theo quy định”:

Để phản ánh nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm trước, được cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Thường trực Hội đồng nhân dân) cho phép chuyển sang năm nay thực hiện theo mục tiêu đã xác định (ví dụ như: tăng thu dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương; giảm bù thu theo chế độ...).

b) Mục 0950 “Chuyển nguồn năm nay sang năm sau’’

Các Tiểu mục của Mục 0950 đối ứng các Tiểu mục của Mục 0900 nhưng khác niên độ. Mục 0950 thuộc niên độ ngân sách năm nay - năm chi chuyển nguồn, dùng để phản ánh khoản chi chuyển nguồn năm nay sang năm sau.

- Tiểu mục 0964 “Kinh phí được giao tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan nhà nước; các khoản viện trợ không hoàn lại đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi”:

Để phản ánh các nguồn kinh phí còn dư (nếu có) theo chế độ quy định của năm nay, được phép chuyển sang năm sau (cơ quan tài chính không phải xét chuyển) như: kinh phí thực hiện cơ chế “khoán” kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo quy định của Chính phủ. Kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ; các khoản viện trợ không hoàn lại đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi.

- Tiểu mục 0965 “Các khoản dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30 tháng 9 năm thực hiện dự toán, không bao gồm các khoản bổ sung do các đơn vị dự toán cấp trên điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị dự toán trực thuộc”:

Để phản ánh nguồn năm nay đã giao đơn vị được chuyển sang năm sau theo các văn bản cho phép của cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân hoặc ủy quyền cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch).

- Tiểu mục 0966 “Kinh phí nghiên cứu khoa học bố trí trong thời gian thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền quyết định”

Để phản ánh kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ trong thời gian thực hiện chương trình, dự án, đề tài được cấp có thẩm quyền giao hoặc hợp đồng ký kết với Chủ nhiệm chương trình.

- Tiểu mục 0967 “Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi được phép chuyển sang năm sau theo quy định”:

Để phản ánh nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm nay, được cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp) cho phép chuyển sang năm sau thực hiện theo mục tiêu đã xác định (ví dụ như: tăng thu dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương, bù giảm thu theo chế độ...).

c) Về hạch toán các khoản tạm ứng ngân sách theo Tiểu mục

Khi tạm ứng ngân sách thực hiện hạch toán chi tiết theo Tiểu mục như sau:

- Nếu đã xác định rõ nội dung theo Tiểu mục, thì hạch toán vào Tiểu mục tương ứng.

- Nếu chưa xác định được nội dung theo Tiểu mục, thì hạch toán vào Tiểu mục 7799 “Chi các khoản khác”.

d) Về mục tạm thu, tạm chi chưa đưa vào cân đối ngân sách: Để hạch toán các khoản tạm thu, tạm chi chưa đủ điều kiện xác định Mục, Tiểu mục thuộc NSNN.

Trên đây là nội dung quy định về những nội dung cần lưu ý khi sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo mục, tiểu mục. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào