Quy định về mã mục, tiểu mục trong ngân sách nhà nước

Quy định về mã mục, tiểu mục trong ngân sách nhà nước? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Phương Trinh, em đang là sinh viên năm cuối tại Học viện hành chính quốc gia TPHCM. Để hoàn thành bài báo cáo tốt nghiệp của mình, em có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp em, cụ thể những mã mục, tiểu mục trong ngân sách nhà nước được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Em mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (099***)

Mã mục, tiểu mục trong ngân sách nhà nước được quy định tại Mục IV Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Mục lục Ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành như sau:

Mục dùng để phân loại các khoản thu, chi NSNN căn cứ nội dung kinh tế theo các chính sách, chế độ thu, chi NSNN.

Các Mục có tính chất giống nhau theo yêu cầu quản lý được tập hợp thành Tiểu nhóm.

Các Tiểu nhóm có tính chất giống nhau theo yêu cầu quản lý được tập hợp thành Nhóm.

Tiểu mục là phân loại chi tiết của Mục, dùng để phân loại các khoản thu, chi NSNN chi tiết theo các đối tượng quản lý trong từng mục.

Nguyên tắc hạch toán: Khi hạch toán thu, chi NSNN, chi hạch toán mã số Tiểu mục theo đúng nội dung kinh tế các khoản thu, chi ngân sách. Căn cứ mã số Tiểu mục để xác định khoản thu, chi ngân sách thuộc Mục tương ứng. Riêng các Mục tạm thu, tạm chi chưa đưa vào cân đối NSNN thì hạch toán theo Mục. Căn cứ Mục nằm trong khoảng nào để tổng hợp Tiểu nhóm, Nhóm.

Các nội dung phân loại được mã số hóa theo 4 ký tự và được bố trí như sau:

- Mục tạm thu không có Tiểu mục, các số có giá trị từ 0001 đến 0049 dùng để mã số hóa các Mục tạm thu.

- Mục tạm chi không có Tiểu mục, các số có giá trị từ 0051 đến 0099 dùng để mã số hóa các Mục tạm chi.

- Các số có giá trị từ 0110 đến 0800 dùng để mã số hóa các Nhóm, Tiểu nhóm.

- Các số có giá trị từ 0820 đến 0899 dùng để mã số hóa các Mục, Tiểu mục vay và trả nợ gốc vay. Mỗi mục có 20 giá trị, là các giá trị chẵn theo hàng chục. Các giá trị trong khoảng cách đó được bố trí cho các Tiểu mục với hàng đơn vị từ 1 đến 9.

Các nội dung phân loại Mục thu, chi ngân sách, thu chi chuyển nguồn được mã hóa 4 ký tự là các giá trị chẵn theo hàng chục với khoảng cách 50 giá trị. Các giá trị trong khoảng cách đó được bố trí cho mã số Tiểu mục của Mục đó với giá trị hàng đơn vị từ 1 đến 9.

- Các số có giá trị từ 0900 đến 0999 dùng để mã số hóa các Mục, Tiểu mục theo dõi chuyển nguồn giữa các năm.

- Các số có giá trị từ 1000 đến 5999 dùng để mã số hóa các Mục, Tiểu mục thu NSNN.

- Các số có giá trị từ 6000 đến 9989 dùng để mã số hóa các Mục, Tiểu mục chi NSNN.

Trong đó các Mục, Tiểu mục về phí, lệ phí được thiết kế theo Luật Phí, lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội: Mục gắn với lĩnh vực thu phí, lệ phí; Tiểu mục gắn với tiểu lĩnh vực có thu phí, lệ phí. Khi hạch toán các khoản phí, lệ phí thuộc tiểu lĩnh vực nào thì hạch toán vào Tiểu mục đó (chi tiết theo Phụ lục kèm theo).

Trên đây là nội dung quy định về mã mục, tiểu mục trong ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào