Khi sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo chương cần lưu ý những nội dung gì?

Khi sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo chương, cần lưu ý những nội dung gì? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Thái Tuấn, em đang là sinh viên năm cuối tại Học viện hành chính quốc gia TPHCM. Em đã được học về việc sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo chương nhưng giảng viên có đề cập đến những nội dung cần lưu ý khi sử dụng. Tuy nhiên, em vẫn chưa thật sự nắm rõ những nội dung này và có văn bản pháp luật nào quy định về những nội dung này không? Em mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (tuan***@gmail.com)

Những nội dung cần lưu ý khi sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo chương được quy định tại Mục II Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Mục lục Ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành như sau:

1. Chương 151, 551 “Các đơn vị kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”

Chương 151, 551 “Các đơn vị kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” được sử dụng để phản ánh số thu, chi NSNN của các đơn vị kinh tế tại Việt Nam do nước ngoài đầu tư vốn 100%. Đối với các đơn vị kinh tế do trung ương cấp giấy chứng nhận đầu tư, hạch toán Chương 151, đối với các đơn vị kinh tế do địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư, hạch toán Chương 551.

2. Chương 152, 552 “Các đơn vị có vốn nước ngoài từ 51% đến dưới 100% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân người nước ngoài đối với công ty hợp danh”

Chương 152, 552 “Các đơn vị kinh tế có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân ngoài nước” được sử dụng để phản ánh số thu, chi NSNN của các đơn vị kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài/tổng số vốn điều lệ của công ty từ 51 % trở lên (trừ các công ty 100% vốn ngoài nước) hoặc đối với công ty hợp danh đa số thành viên của công ty là cá nhân ngoài nước (ví dụ: các công ty liên doanh với nước ngoài, công ty cổ phần có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Văn phòng điều hành của bên hợp danh nước ngoài...). Đối với các đơn vị kinh tế do trung ương cấp giấy chứng nhận đầu tư, hạch toán Chương 152, đối với các đơn vị kinh tế do địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư, hạch toán Chương 552.

3. Chương 154, 554, 754, 854 “Kinh tế hỗn hợp ngoài quốc doanh”

Để phản ánh số thu NSNN của các đơn vị kinh tế được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, vốn đầu tư của nước ngoài nhưng vốn nước ngoài nhỏ hơn 51% vốn điều lệ; căn cứ vào số vốn thuộc cấp chương chiếm tỷ trọng lớn hơn để xác định hạch toán chương tương ứng (cấp trung ương chiếm tỷ trọng lớn hơn thì hạch toán Chương 154, cấp tỉnh chiếm tỷ trọng lớn hơn thì hạch toán Chương 554, cấp huyện chiếm tỷ trọng lớn hơn thì hạch toán Chương 754).

Chương 854 “Kinh tế hỗn hợp ngoài quốc doanh”: Để phản ánh số thu, chi ngân sách của các đơn vị được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khu vực gồm quốc doanh có quy mô nhỏ giao cấp xã quản lý thu NSNN theo phân cấp ngân sách.

4. Chương 158, 558, 758 “Các đơn vị kinh tế hỗn hợp có vốn Nhà nước trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ”

Để phản ánh số thu, chi NSNN của các đơn vị kinh tế được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác với các tổ chức kinh tế của Nhà nước, trong đó có vốn tham gia của Nhà nước chiếm tỷ trọng từ trên 50% vốn điều lệ của đơn vị kinh tế trở lên (trừ các công ty 100% vốn nhà nước); căn cứ vào số vốn thuộc cấp quản lý chiếm tỷ trọng lớn hơn để xác định hạch toán vào Chương tương ứng (cấp trung ương chiếm tỷ trọng lớn hơn thì hạch toán vào Chương 158, cấp tỉnh chiếm tỷ trọng lớn hơn thì hạch toán vào Chương 558, cấp huyện chiếm tỷ trọng lớn hơn thì hạch toán vào Chương 758).

5. Chương 159, 559, 759 “Các đơn vị có vốn của nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống”

Để phản ánh số thu, chi NSNN của các đơn vị kinh tế có vốn đầu tư của nhà nước chiếm tỷ lệ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Chương 159 dùng để hạch toán cho các đơn vị do cơ quan trung ương quản lý.

Chương 559 dùng để hạch toán cho các đơn vị do cơ quan cấp tỉnh quản lý.

Chương 759 dùng để hạch toán cho các đơn vị do cơ quan cấp huyện quản lý.

6. Chương 161, 561 “Nhà thầu chính ngoài nước” và Chương 162, 562 “Nhà thầu phụ ngoài nước”

Để phản ánh các khoản nộp ngân sách của các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Căn cứ vào Chương của bên Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu chính, nhà thầu phụ ngoài nước thuộc cấp trung ương thì hạch toán vào Chương 161, 162; thuộc địa phương thì hạch toán Chương 561, 552.

Trường hợp bên Việt Nam kê khai nộp thay bên nước ngoài thì số thuế nộp thay được hạch toán vào chương của bên nước ngoài, không hạch toán vào chương của bên Việt Nam nộp thay.

7. Chương 160, 560, 760, 860 “Các quan hệ khác của ngân sách”

Để phản ánh các khoản thu, chi của NSNN gồm:

- Thu các khoản viện trợ không hoàn lại

Nếu ngân sách trung ương thu viện trợ trực tiếp thì hạch toán Chương 160, Mục và Tiểu mục tương ứng; nếu ngân sách cấp tỉnh thu viện trợ trực tiếp thì hạch toán Chương 560, Mục và Tiểu mục tương ứng; nếu ngân sách cấp huyện thu viện trợ trực tiếp thì hạch toán Chương 760, Loại, Mục và Tiểu mục tương ứng; nếu ngân sách cấp xã theo quy định của pháp luật được phép tiếp nhận viện trợ trực tiếp, thì hạch toán Chương 860, Mục và Tiểu mục tương ứng.

- Chi hoàn trả các khoản thu NSNN do nộp nhầm, nộp thừa (không kể hoàn thuế giá trị gia tăng “đầu vào” lớn hơn “đầu ra” theo quy định của Luật Thuế Giá trị gia tăng - Thuế GTGT) thuộc niên độ các năm trước cho các đối tượng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hạch toán Chương 160, 560, 760, 860 (tương ứng với cấp ngân sách), Loại 400, Khoản 428, Mục 7650, Tiểu mục tương ứng.

- Chi hoàn thuế GTGT “đầu vào” lớn hơn “đầu ra” hạch toán Chương 160, Khoản 438, tiểu mục thuộc mục 7550.

- Ngân sách các cấp chi hỗ trợ cho các đơn vị đóng trên địa bàn không thuộc ngân sách cấp mình quản lý (theo chế độ quy định), hạch toán Chương 560, 760, 860 (tương ứng với cấp ngân sách), Loại 400, Khoản 411, Tiểu mục theo nội dung thực chi.

- Các khoản thu, chi khác mang tính chất chung như: thu, chi, bổ sung giữa các cấp ngân sách; thu, chi lập quỹ dự trữ tài chính; các khoản đi vay của ngân sách các cấp theo chế độ quy định và chi trả nợ (gốc và lãi theo quy định) các khoản đi vay và các khoản thu không xác định được chủ sở hữu hạch toán vào Chương 160, 560, 760, 860 tương ứng với từng cấp ngân sách.

- Khoản chi viện trợ cho nước ngoài, nếu để nhiệm vụ chung ở cấp ngân sách (không giao trong dự toán của các đơn vị dự toán cấp I), thì hạch toán vào Chương “Các quan hệ khác của ngân sách” như: Chương 160 (đối với ngân sách trung ương), Chương 560 (đối với ngân sách cấp tỉnh); và hạch toán vào Mục 7400 “Chi viện trợ” (nếu được giao trong dự toán của các đơn vị dự toán cấp I, thì hạch toán theo Chương của đơn vị dự toán cấp I).

8. Chương 176, 564 “Các đơn vị có vốn nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (không thuộc các cơ quan chủ quản, các Chương Tập đoàn, Tổng công ty)”

Chương 176, 564 “Các đơn vị có vốn nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (không thuộc các cơ quan chủ quản, các Chương Tập đoàn, Tổng công ty)” được sử dụng để phản ánh số thu, chi NSNN của các công ty TNHH nhà nước có 100% vốn điều lệ của Nhà nước không trực thuộc các bộ, cơ quan trung ương (tức là không có bộ chủ quản), hoặc do UBND cấp tỉnh trực tiếp quản lý. Các công ty TNHH Nhà nước 100% vốn điều lệ của Nhà nước do trung ương quản lý hạch toán Chương 176, cấp tỉnh quản lý hạch toán Chương 564.

9. Chương 411 “Sở Ngoại vụ”

Chương 411 “Sở Ngoại vụ” dùng để phản ánh thu, chi NSNN của Sở Ngoại vụ thuộc các địa phương được phép thành lập Sở Ngoại vụ. Trường hợp Sở Ngoại vụ thuộc Bộ Ngoại giao thì hạch toán chương của Bộ Ngoại giao.

10. Chương 428 “Sở Du lịch”

Chương 428 “Sở Du lịch” chỉ dùng cho các địa phương thành lập Sở Du lịch, khi đó Sở Văn hóa - Thể thao hạch toán vào Chương 429 (Sở Văn hóa - Thể thao).

11. Chương 439 “Sở Quy hoạch - Kiến trúc”

Chương 439 “Sở Quy hoạch - Kiến trúc” chỉ dùng cho các địa phương thành lập “Sở Quy hoạch - Kiến trúc”.

12. Chương 440 “Đài Phát thanh”, chương 441 “Đài Truyền hình”, chương 442 “Đài Phát thanh - Truyền hình”

Đối với các tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập Đài Phát thanh, Đài Truyền hình thành Đài Phát thanh và Truyền hình thì sử dụng chương 442 “Đài Phát thanh - Truyền hình”.

Đối với các tỉnh, thành phố tách riêng Đài Phát thanh, Đài Truyền hình thành Đài Phát thanh và Truyền hình thì sử dụng chương 440 đối với Đài Phát thanh, chương 441 đối với Đài Truyền hình.

13. Các Chương 555, 755 “Doanh nghiệp tư nhân”, các Chương 556, 756, 856 “Hợp tác xã”, các Chương 557, 757, 857 “Hộ gia đình, cá nhân”

Các Chương 555, 755 “Doanh nghiệp tư nhân”, các Chương 556, 756, 856 “Hợp tác xã”, các Chương 557, 757, 857 “Hộ gia đình, cá nhân” để phản ánh số thu, chi NSNN liên quan trực tiếp các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân.

- Hạch toán vào Chương “Doanh nghiệp tư nhân” bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh mà số vốn của (các) thành viên là tổ chức tư nhân hoặc cá nhân của Việt Nam chiếm từ trên 50% tổng số vốn của doanh nghiệp.

- Hạch toán vào Chương “Hợp tác xã” bao gồm: cơ sở kinh tế do người lao động tự nguyện góp vốn thành lập hợp tác xã, cùng kinh doanh, tự quản lý theo quy định của pháp luật; liên hiệp các hợp tác xã.

- Hạch toán vào Chương “Hộ gia đình và cá nhân” bao gồm: một hộ gia đình hay một cá nhân hoặc nhóm cá nhân, thợ thủ công, những người buôn bán kinh doanh dịch vụ.

Căn cứ nhiệm vụ quản lý thu hoặc nhiệm vụ chi thuộc cấp tỉnh, huyện, xã để hạch toán vào Chương tương ứng.

Ví dụ: Hộ gia đình có quy mô kinh doanh lớn giao cấp huyện quản lý thu thì phản ánh vào Chương 757. Hộ gia đình có quy mô kinh doanh nhỏ, được giao chính quyền cấp xã tham gia quản lý thu và làm trưởng hội đồng tư vấn thuế cấp xã thì phản ánh vào Chương 857.

14. Chương 563 “Các Tổng công ty địa phương quản lý”

Để phản ánh các khoản thu, chi ngân sách của các Tổng công ty nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quản lý mà không thuộc sở chủ quản.

15. Các Chương thuộc cấp huyện

Căn cứ tổ chức thực tế ở địa phương để xác định đúng tên và mã số chương đã quy định để hạch toán, không tự đặt tên Chương và mã số Chương mới.

Ví dụ: Ở quận, huyện có Phòng Kinh tế và Hạ tầng (không có Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì hạch toán Chương 620 “Phòng Kinh tế và Hạ tầng”, không hạch toán Chương 612 “Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Chương 620 "Phòng Kinh tế và hạ tầng”

Đối với các quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, Phòng Kinh tế được hạch toán vào Chương 620 “Phòng Kinh tế và Hạ tầng”.

16. Các Chương thuộc cấp xã

- Các chương thuộc cấp xã dùng để hạch toán các khoản thu, chi NSNN của các đơn vị thuộc chính quyền cấp xã quản lý.

- Căn cứ yêu cầu quản lý ở địa phương (thể hiện trong quyết định giao dự toán) để xác định mã số Chương hạch toán. Ví dụ: Ở xã A, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phân bổ giao dự toán ngân sách riêng cho Công an xã thì hạch toán Chương 809; trường hợp không giao riêng kinh phí cho Công an xã thì không dùng Chương 809. Số thu ngân sách giao cho Ủy ban nhân dân xã quản lý, thu nộp NSNN theo quy định của pháp luật hạch toán vào chương 805 “Văn phòng Ủy ban nhân dân”.

- Riêng đối với Chương 800 “Tổng hợp ngân sách xã” dùng cho Kho bạc Nhà nước hạch toán trên sổ kế toán thu, chi NSNN tại KBNN. Theo đó, Kho bạc Nhà nước nơi các đơn vị cấp xã (phường, xã, thị trấn) giao dịch (Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thành phố, thị xã, Phòng giao dịch) có trách nhiệm nhập dự toán, hạch toán dự toán, các khoản tạm ứng và các khoản chi ngân sách xã theo mã Chương 800 cho tất cả các chương thuộc ngân sách cấp xã. Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát dự toán của xã theo mã Chương 800, không thực hiện kiểm soát dự toán ngân sách xã theo từng chương cụ thể quy định trong Mục lục NSNN. Chứng từ, Bảng phân bổ của xã ghi theo đúng yêu cầu quản lý theo quy định, không ghi mã Chương 800.

17. Các chương 399, 599, 799, 989 “Các đơn vị khác”

Các chương này dùng để hạch toán các khoản thu, chi ngân sách cho các đơn vị không bố trí chương riêng như các đơn vị như hội nghề nghiệp, ban quản lý chợ...

Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, trường hợp thuộc bộ, sở, phòng chủ quản, sử dụng chương của các bộ, sở, phòng chủ quản, trường hợp không thuộc bộ, sở, phòng chủ quản, sử dụng chương doanh nghiệp nhà nước không thuộc cơ quan chủ quản.

Đối với cấp huyện, có doanh nghiệp nhà nước công ích không thuộc phòng chủ quản thì hạch toán chương 799.

Trên đây là nội dung quy định về những nội dung cần lưu ý khi sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo chương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào