Quy định về mã chương trong ngân sách nhà nước

Quy định về mã chương trong ngân sách nhà nước? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Phương Trinh, em đang là sinh viên năm cuối tại Học viện hành chính quốc gia TPHCM. Để hoàn thành bài báo cáo tốt nghiệp của mình, em có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp em, cụ thể những mã chương trong ngân sách nhà nước được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Em mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (099***)

Mã chương trong ngân sách nhà nước được quy định tại Mục II Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Mục lục Ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành như sau:

Phân loại mục lục NSNN theo Chương là phân loại dựa trên cơ sở hệ thống tổ chức của các cơ quan, tổ chức trực thuộc một cấp chính quyền (gọi chung là cơ quan chủ quản) được giao tổ chức, quản lý ngân sách riêng nhằm xác định trách nhiệm quản lý của cơ quan, tổ chức đó đối với NSNN. Trong các Chương, có một số Chương đặc biệt dùng để phản ánh nhóm tổ chức, nhóm cá nhân có cùng tính chất, nhưng không thuộc cơ quan chủ quản.

- Mã chương được mã số hóa 3 ký tự và được chia làm 4 khoảng, tương ứng với 4 cấp quản lý:

+ Các số có giá trị từ 001 đến 399 dùng để mã số hóa các cơ quan, tổ chức thuộc trung ương quản lý;

+ Các số có giá trị từ 400 đến 599 dùng để mã số hóa các cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh quản lý;

+ Các số có giá trị từ 600 đến 799 dùng để mã số hóa các cơ quan, tổ chức thuộc cấp huyện quản lý;

+ Các số có giá trị từ 800 đến 989 dùng để mã số hóa các cơ quan, tổ chức thuộc cấp xã quản lý.

- Đối với các khoản thu NSNN do cơ quan thuế, cơ quan hải quan quản lý, mã chương được xác định là mã của đơn vị chủ quản của đơn vị có nghĩa vụ hoặc trách nhiệm quản lý, nộp NSNN; các khoản nợ đọng khi chia tách, sáp nhập, đơn vị nào nộp thì hạch toán vào chương của đơn vị đó; đối với các khoản thu phạt, tịch thu (trừ các khoản phạt, tịch thu của cơ quan thuế, hải quan ra quyết định), hạch toán số thu theo chương của cơ quan ra quyết định xử phạt, tịch thu; các khoản thuế chậm nộp hạch toán theo chương của đơn vị nộp thuế.

Trường hợp các khoản thu phạt, tịch thu thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương nhưng vượt thẩm quyền quyết định của cơ quan trung ương thì hạch toán thu theo chương của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định phạt, tịch thu.

- Đối với các khoản chi thuộc dự toán NSNN được giao, mã chương được xác định là mã của cơ quan chủ quản của đơn vị, chủ dự án đầu tư.

Trường hợp sử dụng kinh phí do ngân sách cấp khác ủy quyền thì hạch toán Chương của cơ quan chủ quản thuộc cấp ngân sách đã ủy quyền, không hạch toán vào chương của đơn vị nhận ủy quyền.

- Khi hạch toán thu, chi NSNN, căn cứ vào mã số chương đã hạch toán thuộc khoảng giá trị nào sẽ xác định được cấp quản lý các khoản thu, chi đó.

- Đối với các khoản thu do cơ quan thuế và hải quan quản lý (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí, phạt vi phạm), hạch toán số thu theo chương của người, đơn vị nộp.

- Đối với các khoản phí, lệ phí, hạch toán số thu theo Chương của các đơn vị, cơ quan được giao thu, nộp phí, lệ phí vào NSNN (gọi tắt là đơn vị thu phí), không hạch toán theo chương của đơn vị trả tiền phí, lệ phí (trừ các khoản phí, lệ phí do cơ quan thuế quản lý được hạch toán theo chương đơn vị nộp).

- Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, xác định chương theo nguyên tắc, đơn vị được hưởng ngân sách cấp nào thì sử dụng chương của cơ quan chủ quản của cấp tương ứng đó. Ví dụ: Trường hợp Bệnh viện huyện, hưởng ngân sách cấp tỉnh, sử dụng Chương 425 “Sở Y tế”; trường hợp Bệnh viện huyện, trạm y tế xã hưởng ngân sách cấp huyện, sử dụng Chương 623 “Phòng Y tế”.

- Trường hợp đơn vị nộp thuế thay theo ủy quyền thì xác định chương theo đối tượng phải nộp thuế đã ủy quyền, không hạch toán vào chương đơn vị nhận ủy quyền. Ví dụ: cơ quan, đơn vị nộp thuế thu nhập cá nhân thay cá nhân thì khoản thuế thu nhập cá nhân hạch toán vào chương “Hộ gia đình, cá nhân”.

- Ở cấp huyện: Trường hợp chi NSNN cho nhiều đơn vị nhưng gom về một đầu mối quản lý ngân sách, thì dự toán ngân sách được giao về đơn vị nào thì hạch toán chương của đơn vị đó. Ví dụ: Giao cho UBND huyện thì hạch toán Chương 605 “Văn phòng UBND” (huyện). Trường hợp giao cho từng đơn vị làm chủ tài khoản thì hạch toán chương của đơn vị, khi đó, từng đơn vị phải đăng ký tài khoản tại KBNN theo chức danh chủ tài khoản và kế toán trưởng được giao nhiệm vụ theo quy định.

- Đối với khoản thu hồi do chi sai theo kiến nghị đã quyết toán ngân sách, xử lý của cơ quan thanh tra, kiểm toán, hoặc cơ quan tài chính: Do khi chi ra được theo dõi chi tiết theo chương đơn vị sử dụng ngân sách nên khi hoàn trả (thu hồi) thì cũng hạch toán chương tương ứng của đơn vị sử dụng ngân sách để thể hiện trách nhiệm đơn vị đã hoàn trả NSNN.

- Đối với hoạt động vãng lai (trụ sở chính tại một địa bàn nhưng có chi nhánh hoặc có hoạt động phải nộp thuế ở địa bàn khác) thì sử dụng chương theo cấp cơ quan quản lý thu hoạt động vãng lai. Ví dụ: Công ty A có trụ sở tại tỉnh A do Cục Thuế tỉnh A quản lý hạch toán Chương 554, có chi nhánh hoạt động tại tỉnh B, do Cục Thuế tỉnh B quản lý thì số thu nộp NSNN của chi nhánh công ty A tại tỉnh B cũng hạch toán vào Chương 554.

- Các đơn vị kinh tế (gồm cả các đơn vị cấp dưới) có tên chương riêng (như các ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty), hạch toán theo mã chương riêng của đơn vị, không hạch toán vào chương của các đơn vị kinh tế hỗn hợp. Trường hợp đơn vị cấp dưới được sở hữu bởi nhiều thành phần thì đơn vị cấp dưới đó hạch toán vào chương đơn vị kinh tế hỗn hợp theo quy định.

- Trường hợp đơn vị kinh tế có thể sắp xếp vào nhiều chương, để xác định chương của đơn vị cần căn cứ vào nguyên tắc sau:

+ Sắp xếp vào Chương tương ứng của thành phần chiếm tỷ lệ vốn điều lệ cao nhất.

+ Trường hợp có nhiều thành phần có tỷ lệ vốn cao nhất (bằng nhau), căn cứ theo thứ tự: vốn nhà nước, vốn các thành phần kinh tế khác.

+ Trường hợp đơn vị có nhiều thành phần kinh tế, trong đó, vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% thì không xét theo chương doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ căn cứ vốn các thành phần trong nước cao nhất để xác định chương.

+ Việc xác định chương của các đơn vị có nhiều thành phần kinh tế: Xác định chương theo tỷ lệ góp vốn được xác định tại thời điểm xây dựng dự toán ngân sách năm đầu thời kỳ ổn định NSNN theo quy định của Luật NSNN và ổn định hết thời kỳ ổn định ngân sách đó.

Trên đây là nội dung quy định về mã chương trong ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào