Quản lý chất lượng xét nghiệm là gì?

Quản lý chất lượng xét nghiệm là gì? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Thùy Dung, sống tại Tp.HCM. Hiện nay tôi đang làm việc trong lĩnh vực y tế. Tôi đang tìm kiếm một số thuật ngữ pháp lý về y học để phục vụ cho việc viết bài báo cáo. Cụ thể: Nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi: Quản lý chất lượng xét nghiệm là gì? Nội dung bảo đảm thực hiện quản lý chất lượng của phòng xét nghiệm được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (0905***)    

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2013/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì: 

Quản lý chất lượng xét nghiệm là các hoạt động phối hợp để định hướng và kiểm soát của phòng xét nghiệm về chất lượng xét nghiệm, bao gồm lập kế hoạch, kiểm soát, bảo đảm và cải tiến chất lượng xét nghiệm.

Nội dung bảo đảm thực hiện quản lý chất lượng của phòng xét nghiệm tại Thông tư này gồm bốn giai đoạn, cụ thể là:

Thứ nhất, thực hiện các yêu cầu về tổ chức:

a) Có sơ đồ tổ chức, mô tả công việc, ghi rõ vai trò và chức năng, nhiệm vụ của từng nhân viên y tế;

b) Phòng xét nghiệm có lưu trữ hồ sơ nhân sự của tất cả nhân viên y tế (bản sao);

c) Nhân viên y tế của phòng xét nghiệm có trách nhiệm triển khai, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng phòng xét nghiệm.

Thứ hai, thiết lập hệ thống tài liệu, hồ sơ quản lý chất lượng xét nghiệm:

a) Thiết lập hệ thống quản lý tài liệu, hồ sơ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài liệu, hồ sơ của phòng xét nghiệm;

b) Thực hiện quy trình kiểm soát tài liệu, hồ sơ nhằm giúp hệ thống tài liệu, hồ sơ được lưu trữ khoa học, thuận lợi cho việc kiểm soát, theo dõi, tra cứu và sử dụng;

c) Bảo đảm sổ tay chất lượng dễ được tiếp cận và sử dụng, lưu trữ tất cả hồ sơ kỹ thuật.

Thứ ba, đào tạo:

a) Có kế hoạch và thực hiện đào tạo về quản lý chất lượng cho nhân viên y tế định kỳ hằng năm;

b) Phòng xét nghiệm tham gia các hoạt động đào tạo về quản lý chất lượng thuộc lĩnh vực chuyên môn của phòng.

Thứ tư, giám sát và đánh giá:

a) Có kế hoạch và thực hiện giám sát, đánh giá chất lượng xét nghiệm nội bộ, các hoạt động chuyên môn hằng ngày;

b) Có kế hoạch và thực hiện giám sát, đánh giá sau đào tạo cho tất cả nhân viên y tế;

c) Có kế hoạch và thực hiện giám sát, đánh giá, dự phòng các sự cố có thể xảy ra;

d) Giám sát, đánh giá việc sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị và hóa chất trong xét nghiệm;

đ) Tham gia xây dựng kế hoạch và thực hiện, giám sát, đánh giá liên khoa hoặc phòng xét nghiệm (nếu có).

Trên đây là nội dung tư vấn về quản lý chất lượng xét nghiệm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 01/2013/TT-BYT.

Trân trọng!  

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào