Bộ Nội vụ có nhiệm vụ quyền hạn như thế nào trong lĩnh vực hợp tác quốc tế?

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Phòng Nội vụ quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Trong quá trình làm việc, tôi có tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chủ quản cấp trên. Trong đó, tôi gặp một vài vướng mắc mong được Ban biên tập hỗ trợ. Cho tôi hỏi, theo quy định pháp luật hiện hành thì Bộ Nội vụ được trao những nhiệm vụ, quyền hạn gì trong lĩnh vực hợp tác quốc tế? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn!  Hương Sen (sen***@gmail.com)

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế được quy định tại Khoản 18 Điều 2 Nghị định 34/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Cụ thể bao gồm: 

a) Hướng dẫn thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; tổng hợp, báo cáo định kỳ về hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ;

b) Quản lý và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của Chính phủ;

c) Thống nhất với các bộ, ngành, địa phương về tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, cấp quốc gia và hội nghị, hội thảo do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì liên quan đến các nội dung, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ;

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc hợp tác về lĩnh vực công vụ với các nước ASEAN.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong một số lĩnh vực khác như sau:

- Thực hiện các dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành giải quyết kiến nghị của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc cho phép các cơ quan, tổ chức được sử dụng con dấu và việc quản lý, sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học và ứng dụng nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ.

- Tổ chức, chỉ đạo ứng dụng công nghệ và dữ liệu thông tin, thống kê theo các lĩnh vực quản lý của bộ.

- Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế công chức, số lượng viên chức, số lượng người lao động theo chế độ hợp đồng lao động; cải cách hành chính; quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc bộ quản lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quyết định việc bố trí biên chế công chức làm nhiệm vụ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của bộ.

- Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 34/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ nội vụ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào