Chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng hy sinh, từ trần từ 25/8/2017 là gì?
Công nhân và viên chức quốc phòng là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, được tuyển chọn, tuyển dụng vào Quân đội nhân dân theo vị trí việc làm hoặc chức danh nghề nghiệp mà không thuộc diện được phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ.
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 162/2017/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Nghị định 151/2016/NĐ-CP hướng dẫn về chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thì chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng hy sinh, từ trần từ 25/8/2017 được quy định như sau:
1. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội nếu hy sinh, từ trần thì thân nhân hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này (gồm: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; người nuôi dưỡng hợp pháp; con đẻ, con nuôi hợp pháp) được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 6 Nghị định số 151/2016/NĐ-CP. Trong đó, chế độ trợ cấp một lần đối với thời gian công tác trước khi hy sinh, từ trần được tính như sau:
Trợ cấp một lần - Tổng thời gian công tốc x 01 tháng tiền lương liền kề trước khi hy sinh, từ trần.
2. Trường hợp quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trước khi hy sinh, từ trần có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn khó khăn, ngành nghề có tính chất đặc thù thì thân nhân hướng dẫn tại khoản 1 Điều này được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với thời gian tăng thêm do quy đổi theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 151/2016/NĐ-CP và Điều 8, Điều 9 Thông tư này.
Ví dụ 5: Đồng chí Bùi Văn C, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp (hệ số lương 4,45); hy sinh ngày 05 tháng 5 năm 2017, được xác nhận là liệt sĩ. Đồng chí C có thời gian công tác trong Quân đội 10 năm 04 tháng (thâm niên nghề 10%); trong đó, có 5 năm là thợ sửa chữa ra đa (thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại VI), được quy đổi mức 01 năm bằng 01 năm 04 tháng). Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tháng 4 năm 2017 (mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng/tháng) của đồng chí C được hưởng là:
- Lương quân hàm (hệ số 4,45): 1.210.000 đồng x 4,45 - 5.384.500 đồng.
- Phụ cấp thâm niên nghề (10%): 5.384.500 đồng x 10% = 538.450 đồng.
Tổng tiền lương tháng của đồng chí C là:
5.384.500 đồng + 538.450 đồng = 5.922.950 đồng.
Ngoài chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và chế độ bảo hiểm xã hội được hưởng theo quy định của pháp luật, thân nhân đồng chí C còn được hưởng trợ cấp một lần như sau:
- Trợ cấp một lần cho thời gian công tác:
Thời gian công tác trong Quân đội 10 năm 4 tháng, được làm tròn để tính hưởng trợ cấp một lần là 10,5 năm.
Trợ cấp một lần thân nhân đồng chí C được hưởng là:
5.922.950 đồng x 10,5 năm x 01 tháng = 62.190.975 đồng.
- Trợ cấp 1 lần cho thời gian tăng thêm do quy đổi:
Thời gian tăng thêm do quy đổi để tính hưởng trợ cấp của đồng chí C là 01 năm 8 tháng, được làm tròn để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần là 02 năm.
Trợ cấp một lần cho thời gian tăng thêm do quy đổi thân nhân đồng chí C được hưởng là:
5.922.950 đồng x 02 năm x 01 tháng = 11.845.900 đồng.
- Tổng số tiền trợ cấp một lần thân nhân đồng chí C được nhận là:
62.190.975 đồng + 11.845.900 đồng = 74.036.875 đồng.
3. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng từ trần do tự sát, tự tử; từ trần do vi phạm kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước bị xử phạt hình thức tước danh hiệu quân nhân hoặc buộc thôi việc thì thân nhân quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng không được hưởng chế độ trợ cấp một lần hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng hy sinh, từ trần từ 25/8/2017. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 162/2017/TT-BQP.
Trân trọng!