Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ quyền hạn ra sao trong việc ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính?

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Tòa soạn báo Thanh niên. Hiện tại, tôi đang thu thập thông tin để phục vụ cho việc viết bài về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, tôi còn thiếu một số thông tin, mong được Ban biên tập giúp đỡ. Cho tôi hỏi, theo quy định pháp luật hiện hành thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện những nhiệm vụ quyền hạn gì trong công tác ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong Ban biên tập sớm phản hồi. Xin trân trọng cảm ơn! Vũ Thảo Nhi (nhi***@gmail.com)

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính được quy định tại Khoản 20 Điều 2 Nghị định 16/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể bao gồm: 

a) Tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình tiền tệ, tài chính; đề xuất các biện pháp ngăn ngừa rủi ro có tính hệ thống trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính;

b) Xây dựng chính sách, biện pháp ứng phó với khủng hoảng, đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng, tài chính.

Ngoài ra, trong việc thực hiện các nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương và một số lĩnh vực khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Tổ chức thiết kế mẫu tiền, in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền giấy, tiền kim loại; thực hiện nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu hủy tiền giấy, tiền kim loại;

- Thực hiện tái cấp vốn nhằm mục đích cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các tổ chức tín dụng;

- Tổ chức, điều hành và phát triển thị trường tiền tệ; tổ chức quản lý, vận hành thị trường nội tệ, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.

- Tổ chức hệ thống thông tin tín dụng và cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; phân tích xếp hạng tín dụng pháp nhân và thể nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

- Làm đại lý và thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước.

- Tham gia với Bộ Tài chính về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.

- Quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; thẩm định và kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức và chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực ngân hàng theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

- Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo thực hiện cơ chế hoạt động của các đơn vị dịch vụ công trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

Sử dụng vốn pháp định để góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 16/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào