Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng được quy định tại Khoản 14 Điều 2 Nghị định 16/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể bao gồm:
a) Quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối; hoạt động ngoại hối khu vực biên giới theo quy định của pháp luật;
b) Quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước theo quy định của pháp luật; mua bán ngoại hối trên thị trường trong nước vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia; mua, bán ngoại hối với ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế và các nguồn khác; mua, bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện giao dịch ngoại hối khác theo quy định của pháp luật;
c) Công bố tỷ giá hối đoái; quyết định chế độ tỷ giá hối đoái, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái;
d) Cấp, thu hồi văn bản chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
đ) Quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài theo quy định của pháp luật;
e) Quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 16/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật