Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng trong quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị
Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng trong quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được quy định tại Điểm g Khoản 8 Điều 2 Nghị định 81/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Cụ thể bao gồm:
Hướng dẫn, kiểm tra công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị có liên quan đến việc xác định công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung;
Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung; các quy định về sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; mẫu hợp đồng quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, mẫu hợp đồng sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật;
Hướng dẫn phương pháp định giá cho thuê, khung giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện;
Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn, Ban biên tập xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng trong các vấn đề thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật như sau:
- Về quản lý xây dựng ngầm đô thị:
+ Xây dựng định hướng, chiến lược phát triển xây dựng ngầm đô thị phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
+ Hướng dẫn, kiểm tra công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị;
+ Ban hành theo thẩm quyền quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình ngầm đô thị; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về xây dựng công trình công cộng ngầm và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị;
+ Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về quản lý xây dựng, khai thác công trình ngầm và hạ ngầm các đường dây, đường cáp trong đô thị;
+ Hướng dẫn việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về hệ thống công trình ngầm đô thị;
+ Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị:
+ Hướng dẫn việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch giao thông đô thị và nội dung quy hoạch giao thông trong đồ án quy hoạch đô thị; kiểm tra việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị theo quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Thẩm định quy hoạch giao thông đô thị các thành phố trực thuộc trung ương là đô thị loại đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có ý kiến thống nhất bằng văn bản để Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc trung ương là đô thị loại I phê duyệt quy hoạch giao thông đô thị của thành phố;
+ Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quy định việc phân cấp, phân loại đường đô thị; xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng đường đô thị.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng trong quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị . Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 81/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật