Quản lý hoạt động đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài

Quản lý hoạt động đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài được quy định như thế nào? Chào ban biên tập Thư Ký Luật! Em tên là Tâm An. Em đang là sinh viên tại ĐH Ngoại thương TPHCM và em đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực thương mại quốc tế và cần nhiều những kiến thức pháp lý về thủ tục hải quan. Có vài thắc mắc em mong được các anh chị giải đáp. Các anh chị cho em hỏi: quản lý hoạt động đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Rất mong nhận được câu trả lời từ quý anh chị! (at***@gmail.com)

Quản lý hoạt động đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài được quy định tại Điều 52 Luật Quản lý ngoại thương 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) như sau:

- Thương nhân được đặt gia công ở nước ngoài hàng hóa lưu thông hợp pháp.

- Việc xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công và nhập khẩu sản phẩm gia công thực hiện theo quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Thương nhân thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với việc nhập khẩu sản phẩm gia công phục vụ tiêu dùng trong nước theo quy định của pháp luật về thuế.

Ngoài ra, liên quan đến nội dung trên, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn về quyền và nghĩa vụ của thương nhân đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài được quy định tại Điều 38 Nghị định 187/2013/NĐ-CP như sau:

- Được tạm xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư hoặc chuyển khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư từ nước thứ ba cho bên nhận gia công để thực hiện hợp đồng gia công.

- Được tái nhập khẩu sản phẩm đã gia công. Khi kết thúc hợp đồng đặt gia công, được tái nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa.

- Được bán sản phẩm gia công và máy móc thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đã xuất khẩu để thực hiện hợp đồng gia công tại thị trường nước nhận gia công hoặc thị trường khác và phải nộp thuế theo quy định hiện hành.

- Được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nếu không tái nhập khẩu thì phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Được cử chuyên gia, công nhân kỹ thuật ra nước ngoài để kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm gia công.

- Chịu trách nhiệm về quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ của hàng hóa.

- Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với sản phẩm gia công nhập khẩu phục vụ tiêu dùng trong nước.

Trên đây là nội dung quy định về quản lý hoạt động đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Quản lý ngoại thương 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào