Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng đối với vấn đề công sở
Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng đối với vấn đề công sở được quy định tại Khoản 10 Điều 2 Nghị định 81/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Cụ thể bao gồm:
a) Tổ chức lập, thẩm định quy hoạch phát triển hệ thống công sở các cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc lập quy hoạch phát triển công sở các cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương;
c) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công sở, trụ sở làm việc; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia xây dựng công sở, trụ sở làm việc; ban hành quy định về tiêu chí phân loại, chế độ bảo trì công sở, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước;
d) Tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá định kỳ về công sở, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để phục vụ công tác quản lý nhà nước về công sở.
Ngoài ra, trong một số lĩnh vực khác, Bộ Xây dựng thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Về thị trường bất động sản:
+ Xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển và quản lý thị trường bất động sản; chỉ đạo việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
+ Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện và quản lý kinh doanh bất động sản;
+ Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản; phối hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản;
+ Hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; ban hành chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản; ban hành mẫu chứng chỉ môi giới bất động sản; hướng dẫn, kiểm tra việc cấp và quản lý chứng chỉ môi giới bất động sản;
+ Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản;
+ Xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thông tin quốc gia về thị trường bất động sản; xây dựng và công bố các chỉ số đánh giá thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật.
- Về vật liệu xây dựng:
+ Tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam, quy hoạch phát triển xi măng, các chương trình, đề án quốc gia về vật liệu xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
+ Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu (trừ quy hoạch phát triển xi măng);
+ Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương;
+ Tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu, khoáng sản làm xi măng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
+ Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của địa phương;
+ Hướng dẫn các hoạt động thẩm định, đánh giá về công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; công nghệ chế biến, chất lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động thí nghiệm, kiểm định, đánh giá, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng;
+ Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành danh mục, điều kiện và quy chuẩn kỹ thuật đối với vật liệu xây dựng được xuất, nhập khẩu, vật liệu xây dựng hạn chế xuất, nhập khẩu, vật liệu xây dựng kinh doanh phải có điều kiện; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện;
+ Hướng dẫn việc sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường trong các công trình xây dựng.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng đối với vấn đề công sở. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 81/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật