Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng về hoạt động đầu tư xây dựng
Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng về hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định 81/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Cụ thể bao gồm:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc áp dụng mô hình thông tin công trình trong quá trình đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng;
b) Hướng dẫn, kiểm tra công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các công trình xây dựng; thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định của pháp luật;
c) Theo dõi, kiểm tra, đánh giá tổng thể đầu tư trong hoạt động đầu tư xây dựng theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao;
d) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; tổ chức xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp; hướng dẫn việc áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam;
đ) Ban hành mẫu giấy phép xây dựng công trình; hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc cấp, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép xây dựng; đình chỉ xây dựng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đình chỉ xây dựng và xử lý vi phạm hoặc thu hồi giấy phép xây dựng khi phát hiện việc cấp giấy phép không đúng theo quy định hoặc công trình xây dựng vi phạm các quy định về quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép xây dựng;
e) Hướng dẫn công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng theo quy định của Luật xây dựng và pháp luật về đấu thầu; hướng dẫn việc đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu theo quy định của pháp luật;
g) Hướng dẫn việc thực hiện quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng đối với các nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam; thực hiện cấp, thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là tổ chức nhận thầu các gói thầu thuộc dự án nhóm A và các gói thầu khác thuộc địa bàn từ hai tỉnh trở lên;
h) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; hướng dẫn phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng; công bố mẫu hợp đồng xây dựng;
i) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, bao gồm: Tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình, độ dài thời gian xây dựng công trình, kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng, phương pháp đo bóc khối lượng công trình, phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công, phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng, phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng; công bố định mức xây dựng, suất vốn đầu tư, chỉ số giá xây dựng, định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí thuê tư vấn nước ngoài); có ý kiến thống nhất để các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành định mức xây dựng chuyên ngành, định mức xây dựng đặc thù; xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
k) Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các giai đoạn: Khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành công trình xây dựng; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và kiến nghị xử lý vi phạm về chất lượng công trình xây dựng; đình chỉ thi công và yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu khắc phục trong trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đạt yêu cầu, có nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;
l) Hướng dẫn các hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, kiểm định, giám định chất lượng xây dựng, giám định tư pháp xây dựng, giám định nguyên nhân, giải quyết sự cố trong thi công xây dựng và trong quá trình khai thác, sử dụng công trình; tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng, giám định nguyên nhân sự cố trong thi công xây dựng và trong quá trình khai thác, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật; kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;
m) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng; chủ trì tổ chức Giải thưởng quốc gia về chất lượng công trình xây dựng; quản lý chất lượng các công trình quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ giao;
n) Hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo trì công trình xây dựng, đánh giá chất lượng, an toàn chịu lực, an toàn vận hành công trình xây dựng trong quá trình khai thác, sử dụng; hướng dẫn xử lý công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp theo quy định của pháp luật;
o) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực hành nghề xây dựng của cá nhân và điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức tham gia trong các hoạt động xây dựng;
p) Quy định việc sát hạch để cấp các loại chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; ban hành mẫu chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về các hoạt động xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc cấp và quản lý các loại chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đối với cá nhân, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng đối với tổ chức theo quy định của pháp luật;
q) Xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật và đăng tải thông tin về năng lực của các tổ chức, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng (bao gồm cả các tổ chức nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam) theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng về hoạt động đầu tư xây dựng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 81/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật