Chính sách đối với những người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị tai nạn
Chính sách đối với những người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị tai nạn được quy định tại Điều 35 Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Chính phủ ban hành có hiệu lực ngày 04/10/2017, theo đó:
1. Người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị ốm đau, tai nạn trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động (từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi hoàn thành, về đến nơi cư trú):
a) Bị ốm đau, tai nạn trong thực hiện nhiệm vụ tại nơi làm việc kể cả trong và ngoài giờ hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
b) Bị ốm đau, tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ khi có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú;
c) Không giải quyết chế độ ốm đau đối với trường hợp do tự hủy hoại sức khỏe, do sử dụng chất kích thích hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất ma túy.
2. Chế độ, chính sách đối với người bị ốm đau, tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP.
3. Kinh phí chi trả các chế độ khi bị ốm đau, tai nạn do ngân sách nhà nước bảo đảm.
4. Đối với người tham gia bảo hiểm y tế, tiền khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả; đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ.
Như vậy theo quy định trên đây chúng tôi sẽ nêu cụ thể để bạn hiểu rõ vấn đề cần giải đáp. Người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị tai nạn trong được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
+ Được thanh toán chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật, xuất viện;
+ Sau khi điều trị được cơ quan chức năng giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa theo quy định của pháp luật;
+ Trường hợp người chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội bị suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
+ Người bị tai nạn bị mất một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho việc lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với người tàn tật;
Kinh phí chi trả các chế độ khi bị tai nạn do ngân sách nhà nước bảo đảm. Đối với người tham gia bảo hiểm y tế, tiền khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả; đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ.
Trên đây là tư vấn về chính sách đối với những người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị tai nạn. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Nghị định 83/2017/NĐ-CP. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật