Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. Cụ thể là:
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng bao gồm: văn bản đề nghị nêu rõ số lượng, chủng loại, nước sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng vũ khí quân dụng; bản sao Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng; bản sao hóa đơn hoặc bản sao phiếu xuất kho; giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ;
Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
- Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu; và đạn sử dụng cho các loại vũ khí này;
- Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; và đạn sử dụng cho các loại vũ khí này;
- Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa; và đạn sử dụng cho các loại vũ khí này;
- Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi;
Các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng có nhu cầu sử dụng vũ khí quân dụng phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gửi đến cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định xem xét, kiểm tra, quyết định cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là nội dung tư vấn về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật