Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chứng nhận VietGAP

Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chứng nhận VietGAP được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Thái Tuấn. Tôi đang làm việc tại Trung tâm kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa Nông nghiệp Thái Nguyên. Để phục vụ cho nhu cầu công việc, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi, cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chứng nhận VietGAP được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Tôi hy vọng sớm nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (ttuan***@gmail.com)   

Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chứng nhận VietGAP được quy định tại Điều 22 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành như sau:

+ Trách nhiệm:

- Thực hiện hoạt động đánh giá, chứng nhận VietGAP theo đúng quy định tại Thông tư này; các chuyên gia đánh giá phải đeo thẻ chuyên gia đánh giá VietGAP khi thực hiện đánh giá;

- Căn cứ quy định tại Thông tư này và yêu cầu của TCVN 7457:2004 tổ chức chứng nhận xây dựng hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đăng ký, trình tự các bước, thời gian, đánh giá, cấp, cấp lại, gia hạn, giám sát, cảnh cáo, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận VietGAP, kinh phí cấp Giấy chứng nhận cho từng sản phẩm cụ thể và thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên Website hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác;

- Bảo đảm tính khách quan và công bằng trong hoạt động chứng nhận VietGAP;

- Bảo mật các thông tin, số liệu, kết quả đánh giá sự phù hợp trong quá trình thực hiện đánh giá, chứng nhận, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

- Không thực hiện dịch vụ tư vấn VietGAP cho cơ sở sản xuất đã ký hợp đồng chứng nhận VietGAP;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả chứng nhận VietGAP;

- Báo cáo về cơ quan chỉ định và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có hoạt động chứng nhận ngay sau khi cấp, cấp lại, giám sát, gia hạn, cảnh cáo, đình chỉ, hủy bỏ Giấy chứng nhận VietGAP của cơ sở sản xuất để kịp thời cung cấp thông tin cho người tiêu dùng biết;

- Báo cáo cơ quan chỉ định khi có thay đổi về: tư cách pháp nhân, cơ cấu tổ chức và lãnh đạo, chính sách, thủ tục, địa chỉ, điện thoại trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày có sự thay đổi.

Trường hợp bổ sung hoặc mở rộng phạm vi hoạt động của chuyên gia đánh giá phải gửi Danh sách chuyên gia đánh giá, kèm theo các văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 của Thông tư này về cơ quan chỉ định; chỉ được cấp thẻ chuyên gia đánh giá VietGAP sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan chỉ định.

- Thông báo trên Website hoặc phương tiện thông tin đại chúng kết quả cấp, cấp lại, gia hạn, giám sát, cảnh cáo, đình chỉ, hủy bỏ Giấy chứng nhận VietGAP;

- Thực hiện cấp mã số VietGAP tự động qua Website theo quy định tại Thông tư này.

+ Quyền hạn:

- Cấp thẻ chuyên gia đánh giá VietGAP theo quy định tại Thông tư này;

- Cấp, cấp lại, gia hạn, cảnh cáo, đình chỉ hoặc hủy bỏ Giấy chứng nhận VietGAP theo quy định tại Thông tư này;

- Giám sát việc thực hiện Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của cơ sở sản xuất được cấp Giấy chứng nhận VietGAP trong phạm vi chứng nhận.

- Được thanh toán chi phí chứng nhận theo hợp đồng thoả thuận với cơ sở sản xuất có nhu cầu chứng nhận sản phẩm phù hợp VietGAP.

Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chứng nhận VietGAP. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào