Trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng trong trường hợp công trình có nhiều chủ sở hữu
Bảo trì công trình xây dựng được quy định tại Khoản 13 Điều 3 Nghị định 46/2015/NĐ-CP như sau:
Bảo trì công trình xây dựng là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác sử dụng. Nội dung bảo trì công trình xây dựng có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: Kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình.
Trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng trong trường hợp công trình có nhiều chủ sở hữu được pháp luật quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư 26/2016/TT-BXD quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành như sau:
a) Đối với nhà ở, các chủ sở hữu có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và thỏa thuận đóng góp kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung theo quy định của pháp luật về nhà ở;
b) Đối với công trình còn lại thì chủ sở hữu phần riêng của công trình có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng của mình và đồng thời phải có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu chung của công trình. Việc phân định trách nhiệm bảo trì phần sở hữu chung của công trình phải được các chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền thỏa thuận cụ thể bằng văn bản hoặc trong hợp đồng mua bán, thuê mua tài sản.
Trên đây là nội dung câu trả lời về trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng trong trường hợp công trình có nhiều chủ sở hữu. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 26/2016/TT-BXD.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật