Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao

Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Trần Hữu Thắng, đang làm việc tự do tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến việc trang bị vũ khí cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Cho tôi hỏi, đối tượng được trang bị vũ khí thể thao được quy định cụ thể là các đối tượng nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Trần Hữu Thắng (huuthang*****@gmail.com)

Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:

- Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;

- Dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 thì các đối tượng được trang bị vũ khí thể thao được quy định cụ thể bao gồm:

- Quân đội nhân dân;

- Dân quân tự vệ;

- Công an nhân dân;

- Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

- Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh;

- Cơ quan, tổ chức khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao.

Trên đây là nội dung tư vấn về đối tượng được trang bị vũ khí thể thao. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo thêm quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào