Những người tham gia tố tụng nào được bảo vệ trong quá trình tố tụng hình sự?
Hoạt động tố tụng hình sự nói chung, quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự nói riêng để đạt được hiệu quả tốt nhất không chỉ có sự tham gia thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà ngoài ra còn phải có sự hợp tác của các tổ chức, cá nhân khác. Theo đó, những người này khi tham gia và quá trình hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự, họ được pháp luật bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe, các quyền và lợi ích hợp pháp khác theo đúng vai trò của mình trong vụ án.
Những người tham gia tố tụng được bảo vệ trong tố tụng hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 484 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm:
a) Người tố giác tội phạm;
b) Người làm chứng;
c) Bị hại;
d) Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại.
Theo đó, những người này khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự, họ có quyền:
- Đề nghị được bảo vệ;
- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ;
- Được biết về việc áp dụng biện pháp bảo vệ; đề nghị thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ;
- Được bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp trong thời gian bảo vệ.
Đồng thời, người được bảo vệ có nghĩa vụ:
- Chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của cơ quan bảo vệ liên quan đến việc bảo vệ;
- Giữ bí mật thông tin bảo vệ;
- Thông báo kịp thời đến cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về những vấn đề nghi vấn trong thời gian được bảo vệ.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về những người tham gia tố tụng được bảo vệ trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật